04:00 23/04/2012

Tập trung xây dựng giao thông nông thôn

Ngày 21/4, tại Hà Nam, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn, triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an toàn giao thông nông thôn...

Ngày 21/4, tại Hà Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn (2001 - 2010), triển khai chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an toàn giao thông nông thôn (GTNT), với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, Sở GT-VT 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương và đánh giá cao việc Bộ GT-VT, các địa phương, tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển GTNT trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng GTNT như hệ thống GTNT vẫn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Hiện vẫn còn 149 xã chưa có đường ô tô, an toàn giao thông nông thôn vẫn còn nhiều bất cập như thiếu hệ thống biển báo, chất lượng công trình còn thấp... Phó Thủ tướng lưu ý các ngành, các cấp cần quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều hơn nữa, nhất là tập trung xây dựng GTNT, tạo thuận lợi, an toàn, hiệu quả, văn minh cho người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, nhất là Bộ GT-VT thực hiện chiến lược phát triển GTNT Việt Nam đến năm 2020 đã được nêu trong hội nghị, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; rà soát lại các quy hoạch GTNT, quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về giao thông. Quy hoạch phát triển GTNT phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc thù của từng địa phương, gắn với sinh hoạt của người dân; cần xã hội hóa mạnh mẽ, có lộ trình phù hợp, đặc biệt là các kế hoạch trung hạn để giải quyết dứt điểm vấn đề GTNT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GT-VT cùng các địa phương khi lập kế hoạch hàng năm, 3 năm phải bố trí dự toán kinh phí để xây dựng GTNT; tìm nguồn ODA, gắn với các chương trình của Chính phủ để làm đường GTNT. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan, tổ chức phát động đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ tham gia giúp dân làm đường GTNT. Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các địa phương cần huy động hơn nữa nguồn lực, vốn từ người dân để xây dựng GTNT.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình xây dựng GTNT cần tăng cường giám sát từ phía người dân, các tổ chức đoàn thể để đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công. Bộ GT-VT cần ban hành quy chuẩn, quy mô, chất lượng đường GTNT, chỉ đạo theo dõi chương trình chiến lược, phổ biến kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng GTNT; phối hợp với các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tổ chức các hội nghị chuyên đề về GTNT. Các tỉnh, thành phố phát động phát triển GTNT, chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm trong quá trình tham gia giao thông; tăng cường làm việc với các huyện ủy, ra các nghị quyết chuyên đề về GTNT, kiên cố hóa kênh mương, phát triển hệ thống GTNT tại địa phương...

Trong 10 năm qua, phong trào xây dựng GTNT đã được nhân dân các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng, thu được kết quả to lớn làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của địa phương và đi lại của nhân dân.

Đến năm 2010, cả nước có 272.861 km đường GTNT, chiếm 82% tổng mạng lưới đường bộ toàn quốc.

Đức Phương