03:17 09/03/2018

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử...

Nhằm khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình Chính phủ điện tử, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh, sáng 9/3, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai quốc gia và lựa chọn phát triển phần mềm hệ thống thông tin đất đai”.

Chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng được một cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử cũng như một hệ thống thông tin quản lý đất đai theo vận hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, từ các tập đoàn, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, để hệ thống thông tin đất đai vận hành hiệu quả thì nhiệm vụ thiết kế mô hình hệ thống và giải pháp phần mềm là hai nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mô hình hệ thống phải đạt được các mục tiêu quan trọng trên nền tảng công nghiệp tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu đa mục tiêu, phù hợp, tích hợp được với các dữ liệu đầu vào theo các tiêu chuẩn khác nhau, đáp ứng được xu thế phát triển trong tương lai...

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các tập đoàn trong nước đã được nghe về mục đích yêu cầu và định hướng của hệ thống thông tin đất đai quốc gia. Theo đó, mục đích của hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước và đa mục tiêu, phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một hệ thống thông tin cấp quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam (theo điều 120, Hệ thống thông tin đất đai của Luật đất đai năm 2013); đáp ứng được tính đặc thù của công tác quản lý đất đai, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin đất đai của các Bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở hiện trạng về hệ thống thông tin đất đai trong nước và quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai đề xuất xem xét 3 mô hình hệ thống thông tin đất đai quốc gia: mô hình tập trung tại Trung ương; tập trung tại cấp tỉnh và bán tập trung tại Trung ương. Ngoài ra, đề xuất phát triển một phần mềm hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS) nhằm đảm bảo việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, đại diện các tập đoàn trong nước cũng trình bày các đề xuất và giải pháp của từng đơn vị. Cụ thể, đề xuất cung cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu (IDC), đường truyền liên thông cho dự án; tham gia phát triển các hệ thống phần mềm để tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và liên thông dữ liệu giữa các cấp, các ngành trong dự án MPLIS.

Về giải pháp, đại diện các tập đoàn đưa ra các giải pháp công nghệ thông tin như xây dựng dữ liệu mở trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khả năng bảo mật của hệ thống, khả năng nâng cấp trong tương lai, đặc biệt là giải pháp hệ thống đất đai đa mục tiêu Việt Nam (VietLIS) dựa trên kinh nghiệm quản lý đất đai từ Hàn Quốc.


Diệu Thúy (TTXVN)