08:14 27/08/2015

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tây Bắc là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (ảnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những thành tựu nổi bật của vùng Tây Bắc trong thời gian qua.


Xin Phó Thủ tướng đánh giá về những thành tựu nổi bật của vùng Tây Bắc trong thời gian qua?

Vùng Tây Bắc, phạm vi theo dõi trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc là vùng rộng lớn chiếm 1/3 diện tích cả nước, với gần 2.600 km đường biên giới gồm 12 tỉnh Tây Bắc và 21 huyện phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An, có dân số khoảng 11 triệu người, trên 30 dân tộc anh em. Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam.

Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà an sinh xã hội cho hộ nghèo của các xã biên giới tỉnh Cao Bằng.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Trước hết, tôi cho rằng nổi bật nhất là kết quả về phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ lệ nghèo giảm hàng năm khoảng 3-4%, những huyện thuộc diện 30a giảm 4-5%, từ 29,5% năm 2010 xuống còn 18,2% năm 2014, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào có chuyển biến rõ nét.
Hai là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị cùng hợp tác phát triển với các nước láng giềng.

Ba là, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững chắc, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp trong nhân dân giảm nhiều so với trước đây. Bảo đảm môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đoàn kết các dân tộc anh em.

Phó Thủ tướng có đánh giá gì về vấn đề tái cơ cấu nền nông nghiệp vùng Tây Bắc, đặc biệt là giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch... đáp ứng nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho toàn vùng?

Tái cơ cấu kinh tế vùng Tây Bắc đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp đã và đang được triển khai dựa trên nền tảng tiềm năng, lợi thế của vùng, tiểu vùng và đẩy mạnh đào tạo lao động, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa lớn để phát huy lợi thế theo quy mô, giảm giá thành sản xuất. Sự liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ hơn.

Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La.Ảnh:Điêu Chính Tới-TTXVN

Nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như cá tầm, cá hồi... đang được triển khai ở các lòng hồ thủy điện lớn. Các địa phương thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng và cá nhân trồng và bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ rừng kinh tế, phát triển rừng trồng sản xuất tạo vùng nguyên liệu cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến.

Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, thực hiện xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cần lưu ý một số giải pháp sau:

Trước hết là công tác quy hoạch phải tiếp tục được hoàn thiện để gắn nguyên liệu với chế biến, phát huy những lợi thế so sánh của vùng, tiểu vùng. Đẩy mạnh các hình thức liên kết kinh tế trong nông nghiệp, trong công nghiệp chế biến.

Hai là, đẩy mạnh đào tạo lao động, công tác khuyến nông, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, ưu đãi; hướng dẫn đồng bào vùng cao quen dần với sản xuất hàng hóa.

Ba là, tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ và có những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bốn là, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng cần làm tốt hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương vùng Tây Bắc, nhất là thủ tục hành chính cũng cần tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa. Và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân nhưng cũng cần tạo thêm động lực để người dân chủ động thoát nghèo.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Chu Thanh Vân (thực hiện)