01:11 18/01/2011

Tập trung chống hàng giả và gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về việc bình ổn thị trường trong nước, kiểm tra hàng gian, hàng giả và chống buôn lậu nhân dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về việc bình ổn thị trường trong nước, kiểm tra hàng gian, hàng giả và chống buôn lậu nhân dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Thông thường, mỗi khi dịp Tết đến thì hàng nhập lậu lại tràn lan trên thị trường. Vậy, xin ông cho biết định hướng năm 2011 của Cục Quản lý thị trường để hạn chế được tình trạng này?

Hiện nay, lượng hàng nhập lậu qua đường biên giới khá nhiều, các lực lượng chức năng đã thay phiên nhau trực 24/24 giờ nhất là ở những đường mòn mới mở, những nơi có thể vận chuyển những hàng bất hợp pháp qua biên giới


Từ nay đến Tết, các lực lượng chức năng sẽ phải làm việc khá vất vả, nhất là thanh tra liên ngành, Quản lý thị trường.

Ngày 17/1/2011, tại Trạm kiểm soát vé cầu Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế quận Thanh Xuân kiểm tra xe khách biển kiểm soát 12H - 8567 chạy tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, phát hiện và thu giữ 11 kg pháo nổ sản xuất tại Trung Quốc. Trong ảnh: Kiểm kê số pháo nhập lậu. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Vừa qua, Cục Quản lý thị trường đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành; Ban chỉ đạo 127 TW thành lập 6 đoàn gồm Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan kiểm tra các địa phương trong việc bình ổn giá.

Định hướng năm 2011 của Cục Quản lý thị trường là chống hàng giả và gian lận thương mại; trong đó tập trung vào đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Đây là những mặt hàng rất phức tạp trong quản lý hiện nay. Hàng giả không những chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài sau đó đưa vào nước ta nên công tác kiểm tra kiểm soát tốt ở biên giới là rất quan trọng và phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng.

Năm 2010, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 150.528 vụ vi phạm, xử lý 73.153 vụ vi phạm (trong đó có 13.079 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 12.507 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 36.484 vụ kinh doanh trái phép và 11.083 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số tiền thu trên 205 tỷ đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2011 này, thực hiện Chỉ thị 1825 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng quản lý thị trường có những chỉ đạo tập trung kiểm tra kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá các địa phương; tích cực kiểm tra để các doanh nghiệp làm tốt những nhiệm vụ địa phương giao phó giúp cho chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao; tăng cường kiểm tra kiểm soát bán theo giá niêm yết.


Rượu và các mặt hàng thực phẩm khác là những mặt hàng nổi nên phục vụ Tết Nguyên đán và là mặt hàng làm giả khá nhiều. Vì vậy, vừa qua Ban chỉ đạo 127 TW đã phân công các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết Tân Mão này.

Riêng với hàng cấm, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và hạn chế việc buôn bán những mặt hàng cấm như pháo, đèn trời cùng những mặt hàng văn hóa phẩm và đồ chơi trẻ em nguy hại. Năm nay, việc kiểm tra sẽ tập trung vào đầu mối, siêu thị cửa hàng phục vụ Tết.

Theo ông, khó khăn nhất trong quản lý thị trường là gì và chế tài xử lý các mặt hàng giả, hàng lậu đã đủ mạnh chưa?

Biên giới Việt Nam và các nước láng giềng khá dài, hơn 300 km, hàng lậu đưa qua đường mòn rất lớn nên khó kiểm tra được hết do lực lượng biên phòng và hải quan rất mỏng.


Không những thế, khi vào sâu nội địa thì tình hình kiểm soát rất khó khăn. Kiểm soát biên giới có hai lực lượng chính là hải quan kiểm soát cửa khẩu và lực lượng biên phòng.


Mặc dù vậy, những đường mòn mới mở nhiều nên không đủ sức kiểm soát được hàng lậu qua biên giới. Các ngành chức năng vẫn đang rất tích cực kiểm tra kiểm soát hạn chế hàng lậu qua biên giới.

Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định số 76 xử phạt những hành vi buôn bán thuốc lá lậu với 1.500 bao sẽ xử lý theo Bộ luật Hình sự. Đối với rượu, sắp tới có những quy định mới và bổ sung để công tác chống buôn lậu rượu đạt hiệu quả cao.


Riêng thuốc lá là mặt hàng buôn lậu nhiều nên Chính phủ quyết tâm kiểm soát mặt hàng này. Đáng chú ý là đối với các mặt hàng tăng giá, các đơn vị phải công khai cơ cấu hình thành giá và công khai công bố giá là những nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi tham gia vào kinh doanh phải có báo cáo với Bộ Tài chính.

Uyên Hương