01:15 06/01/2011

Tập trung bảo vệ rừng lưu vực sông Sê Rê Pốc

Sông Sê Rê Pốc có lưu vực trải rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông. Trên nhiều đoạn sông Sê Rê Pốc hình thành nhiều thác nước và 2 bên bờ sông có cảnh quan tự nhiên đẹp, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Sông Sê Rê Pốc có lưu vực trải rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông. Trên nhiều đoạn sông Sê Rê Pốc hình thành nhiều thác nước và 2 bên bờ sông có cảnh quan tự nhiên đẹp, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Trước đây, hai bên bờ và vùng lưu vực sông có những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp với nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng sau hơn 30 năm, rừng bị tàn phá dần. Nhiều khu rừng rậm rạp đã nhanh chóng trở thành đất canh tác và vùng đất trống trơ sỏi đá.


Trong đó, có nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vùng thượng lưu bị chặt phá, làm cho độ che phủ rừng giảm đáng kể, ảnh hưởng môi trường sinh thái và gây nên sự biến động của dòng chảy các sông, suối trong mùa mưa.

Sông Sê Rê Pốc

Những năm gần đây, những cánh rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar (Lắc, Đắk Lắk), Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã bị tàn phá, làm giảm đáng kể độ che phủ rừng đầu nguồn.


Các quả núi và đồi khu vực gần kề các công trình Thủy điện Đray H’linh, Buôn Kuốp, Buôn Tuar Sah; Sê Rê Pốc 3, Sê Rê Pốc 4 và rừng ven những thắng cảnh thác Đay Sáp, thác Đray Nu, thác Trinh Nữ bị chặt phá nhiều.


Các quả đồi và ngọn núi với khu rừng rậm rạp đã bị cạo trọc để lấy đất canh tác. Hiện nay, tình trạng phá rừng ở những khu vực gần các công trình thủy điện vẫn diễn ra, đe dọa sinh thái tự nhiên và nguồn nước trong vùng.


Trên vùng đất rộng lớn có rừng khu vực huyện Krông Ana, Buôn Đôn và TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Krông Nô và Cư Jút (Đắk Nông) vẫn đang bị chặt phá. Diện tích rừng bị thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật suy giảm nên đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và làm hạ thấp mực nước ngầm trong khu vực.

Là con sông lớn nhất ở Nam Tây Nguyên, sông Sê Rê Pốc có khả năng tạo ra nguồn thủy năng lớn. Từ thượng lưu đến trung lưu sông Sê Rê Pốc đã được xây dựng 6 công trình thủy điện hạng vừa và nhỏ với tổng công suất thiết kế trên 860 MW.


Tại xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột), ngành điện lực đã xây công trình Thủy điện Đray H’linh I (12 MW), Thủy điện Đray H’linh II (18 MW) và Thủy điện Buôn Kuốp (280 MW). Tại xã Nam Ka (huyện Lắc, Đắk Lắk) và Quảng Phú (Krông Nô, Đắk Nông) có công trình Thủy điện Buôn Tuar Srah (86 MW). Về phía hạ lưu thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) được xây dựng Công trình Thủy điện Sê Rê Pốc 3 (220 KW) và Sê Rê Pốc 4 (140 KW).

Theo quy hoạch của ngành điện, về phía thượng lưu của sông Sê Rê Pốc sẽ xây dựng thêm Nhà máy Thủy điện Đức Xuyên 48 MW (thuộc địa bàn huyện Krông Nô - Đắk Nông) và phía hạ lưu xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Phú 29 MW (xã Hòa Phú - TP Buôn Ma Thuột).


Tuy nhiên về mùa mưa, nhiều đoạn bờ sông, suối bị xói lở, hiện tượng bồi lắng cát và phù sa xảy ra nhiều đã ảnh hưởng đến việc xây dựng những công trình thủy lợi, thủy điện.


Do đó, điều cần làm hiện nay là, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông phải tập trung bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng nhằm giữ gìn môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ thắng cảnh tự nhiên hai bên bờ sông Sê Rê Pốc. Có làm được như vậy, các công trình thủy điện mới phát triển bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Tiên Tri