02:12 11/02/2021

Tập trận hải quân đa quốc gia AMAN trên biển Arab

Theo thông cáo báo chí của Hải quân Pakistan, nước này sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với sự tham gia của 45 quốc gia vào giữa tháng này trên biển Arab.

Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ dẫn thông cáo nêu rõ: “Năm nay, phiên bản thứ 7 của cuộc tập trận AMAN được lên kế hoạch trong tháng này, trong đó có khoảng 45 quốc gia tham gia với các lực lượng mặt nước và trên không, lực lượng tác chiến đặc biệt, thủy quân lục chiến và quan sát viên cùng các sĩ quan cấp cao”.

Cuộc tập trận diễn ra trong hai giai đoạn gồm giai đoạn trên bến cảng từ ngày 11 - 14/2 và giai đoạn trên biển từ ngày 15 - 16/2. 

Các bên tham gia bao gồm lực lượng hải quân của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia và một số quốc gia khác thuộc ASEAN, Nam Á, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đây sẽ là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Hải quân Nga tập trận cùng với tàu chiến của các nước thuộc NATO. Mục đích và chủ đề chính của loạt các cuộc tập trận đa quốc gia AMAN là thúc đẩy hợp tác và ổn định khu vực, nâng cao khả năng phối hợp hoạt động và thể hiện quyết tâm thống nhất chống khủng bố và tội phạm trong lĩnh vực hàng hải, kể cả cướp biển. 

Kể từ khi cuộc tập trận Aman bắt đầu vào năm 2007, số lượng các bên tham gia đã tăng đều đặn từ 28 quốc gia trong năm đầu tiên lên 45 quốc gia trong năm nay.

Trả lời báo chí tại Karachi, Tư lệnh Hạm đội Pakistan, Chuẩn Đô đốc Naveed Ashraf, cho hay Hải quân Pakistan luôn tin tưởng vào hợp tác an ninh hàng hải và đã tham gia vào các hoạt động chống cướp biển từ năm 2004 cũng như hợp tác với hải quân nước ngoài trong tuần tra an ninh hàng hải khu vực kể từ năm 2018.

Ông Ashraf nêu 3 lý do khiến Pakistan quan tâm đến việc đảm bảo các vùng biển an toàn hơn và không có tội phạm, gồm thứ nhất, Pakistan phụ thuộc lớn vào biển để thúc đẩy thương mại; thứ hai, đảm bảo việc vận hành dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), và cuối cùng, Pakistan có vị trí chiến lược nằm dọc tuyến vận chuyển năng lượng toàn cầu.

Huy Lê (TTXVN)