06:07 02/06/2012

Tập đoàn Mai Linh vi phạm bản quyền phần mềm

Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Cảnh sát chống tội phạm công nghệ (C50) vừa kiểm tra đột xuất tại Tập đoàn Mai Linh và phát hiện một số lượng lớn phần mềm không có bản quyền đang được sử dụng tại tập đoàn này.

Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Cảnh sát chống tội phạm công nghệ (C50) vừa kiểm tra đột xuất tại Tập đoàn Mai Linh và phát hiện một số lượng lớn phần mềm không có bản quyền đang được sử dụng tại tập đoàn này.


 

Thanh tra tại trụ sở của Tập đoàn Mai Linh tại TP.HCM. Ảnh: CTV

 

Kiểm tra hai trụ sở của Tập đoàn Mai Linh tại Thành phố Hồ Chí Minh: Trụ sở tại phố Hai Bà Trưng, quận 1 và trụ sở khác tại phố Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, đoàn thanh tra đã phát hiện một lượng lớn các phần mềm không bản quyền của Microsoft tại đây, bao gồm 1 phiên bản Microsoft Windows 7, 1 phiên bản Microsoft Office 2007, 4 phiên bản Microsoft Office 2003, 3 bản Microsoft Server 2003, 56 phiên bản Microsoft Windows XP và một số phần mềm khác như Lacviet, Adobe... Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt và yêu cầu Tập đoàn Mai Linh phải sớm khắc phục bằng việc liên hệ với các chủ sở hữu phần mềm để mua bản quyền.


Không những là một tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều ngành nghề tại Viêt Nam, Tập đoàn Mai Linh còn mở rộng dịch vụ vận tải tại thủ đô Oasinhtơn (Mỹ) vào tháng 9/2008. Tập đoàn này cũng được nhận nhiều danh hiệu như “Giải thưởng Sao vàng Đất Việt cho sản phẩm, thương hiệu và dịch vụ xuất sắc” năm 2003, 2005 do Hiệp hội các doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng; “Cúp Vàng Thương hiệu cho chất lượng và uy tín trong ngành Vận tải” do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tạp chí Thương hiệu và Thương mại Việt trao năm 2004, 2005; Giải thưởng “Thương hiệu uy tín và chất lượng” do Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, và mạng lưới Thương hiệu Việt trao tặng. Do đó, có thể thấy việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và thương hiệu được xây dựng từ bấy lâu nay của tập đoàn này.


"Theo nhiều cuộc điều tra, việc dùng phần mềm lậu gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt hơn rất nhiều chứ không chỉ trong ngành công nghiệp này. Việc dùng phần mềm lậu sẽ gây cản trở cho các công ty công nghệ đầu tư vào những công việc mới và công nghệ mới, gây thiệt hại cho các nhà bán lẻ địa phương và các công ty dịch vụ, làm giảm doanh thu thuế và tăng nguy cơ tội phạm công nghệ cao cũng như các vấn đề an ninh mạng. Một nghiên cứu mới đây do IDC tiến hành cho Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã chỉ ra rằng, nếu việc sử dụng phần mềm lậu giảm đi 10% trong 4 năm có thể mang lại hàng tỉ đô la phát triển kinh tế và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới", đại diện thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết.


P.V