10:10 18/10/2019

Tạo tiền đề phát triển nghề nông thôn ở Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu tại vùng nông thôn để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã... đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật mới trong sản xuất nấm ăn, phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Phúc đã phê duyệt chương trình khuyến công với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Mục tiêu chương trình nhằm huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ khuyến công; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong 3 năm từ 2016 đến 2018, Vĩnh Phúc đã thực hiện các chương trình hỗ trợ cho 78 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng, qua đó thu hút trên 30 tỷ đồng đầu tư từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, từng bước có vị trí trên thị trường. Đặc biệt, giúp các cơ sở, hộ gia đình tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, học hỏi phương thức sản xuất mới.

Được sự hỗ trợ, tư vấn từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng mua sắm máy móc hiện đại phục vụ chế biến, sản xuất nhằm cho ra đời các dòng sản phẩm mới có chất lượng với giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Hiện Công ty cổ phần Ong Tam Đảo mỗi năm sản suất và thu mua thêm hàng trăm tấn mật từ các cách rừng, vùng có diện tích cây ăn quả lớn… ở các tỉnh trong nước. Nếu như trước đây, Công ty coi trọng khai thác mật và kinh doanh mật đóng chai thì nay cùng với mật ong truyền thống, Công ty đưa ra thị trường hàng chục loại sản phẩm có chất lượng cao, hấp dẫn về hương vị, phong phú về kiểu dáng như: sữa ong chúa, phấn hoa, tảo spirulina, mật ong rừng đặc biệt, mật ong núi Tam Đảo, sản phẩm mới có sự kết hợp giữa mật ong với hoa quả. Những năm gần đây, các sản phẩm mật ong Tam Đảo được coi là đặc sản của Vĩnh Phúc, đã có mặt ở khắp các siêu thị, khu du lịch và nhiều hội nghị…

Theo anh Ngô Văn Tú, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, nhờ có chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị nên ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở địa phương có điều kiện phát triển. Đến nay, hàng chục hộ gia đình ở thị trấn Yên Lạc được hỗ trợ kinh phí mua sắm máy đục vi tính, máy cắt bàn trượt... phục vụ sản xuất. Trong đó, gia đình anh Tú được hỗ trợ 100 triệu đồng để mua mới máy đục CNC 3525- 10 spindle, trị giá hơn 200 triệu đồng/máy. Việc ứng dụng máy đục CNC vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm do có độ đồng đều cao, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Phạm Thị T. - một chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại thôn Tiên, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, cho hay: máy móc, thiết bị cho sản xuất gỗ, đồ gỗ gia đình, hàng mỹ nghệ… hiện nay rất phong phú, đa dạng và giá cả khác nhau. Việc đầu tư cơ bản đầy đủ và đồng bộ các loại máy móc, thiết bị cho mỗi cơ sở gỗ hay một gia đình là việc rất khó khăn nhưng cần đầu tư, nếu khó thực hiện dần từng bước bởi mang lại lợi ích rất lớn, đó là giải phóng sức lao động, hạn chế sự ô nhiễm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng triệt để nguyên liệu gỗ, kể cả những gỗ nhỏ vụn. Đặc biệt, nhờ máy móc năng suất lao động cao gấp hơn chục lần so với làm thủ công, những thợ có kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất đồ mộc hiện nay trên máy móc, thiết bị có thể đạt tới 15 triệu đồng (tiền công làm thuê)/tháng.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, những năm qua, tỉnh đã có nhiều nội dung chương trình hỗ trợ, điển hình là chương trình "Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất gỗ ván sàn tư nhiên” tại Công ty CP Tư vấn và xây dựng Hoàng Hà (huyện Bình Xuyên); Đề án: “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị sản xuất ống nhựa” tại Công ty TNHH Thương Mại Khánh Hà (huyện Vĩnh Tường); Đề án: “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung” tại Công ty TNHH Một thành viên Nguyên Phúc (Huyện Sông Lô)… Hầu hết các cơ sở được hỗ trợ máy móc thiết bị đều có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất là năng suất, chất lượng sản phẩm cải thiện hơn, khắc phục ô nhiễm môi trường, giải phóng sức lao động…

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đang thực hiện hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng nghìn lao động  nông thôn với các nghề may mặc, thêu móc, đính cườm, đan lát, mộc mỹ nghệ… Tỉnh đồng thời xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, cho biết: nguồn vốn khuyến công đã một phần giúp cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn giải quyết những khó khăn nhất định về kinh phí, khích lệ động viên các nguồn lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, các tổ chức tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh nhằm nâng cao hiêu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vĩnh Phúc đã hoàn thành và đảm bảo tiêu chí điện (tiêu chí thứ 4 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) đi trước một bước. Nhờ đó, hạ tầng lưới điện nông thôn của tỉnh đã từng bước được cải thiện, cơ bản đảm bảo chất lượng lưới điện để các địa phương tạo điền đề phất triển sản xuất…

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)