03:17 02/03/2016

Tạo thuận lợi cho người dân ứng cử và bầu cử

Theo nhiều đại biểu và cử tri, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang được tiến hành từng bước rất chu đáo.

Nhiều điểm mới trong hệ thống các luật có hiệu lực từ nửa cuối năm trước và đầu năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác bầu cử.

Nhiều quy định mới, cụ thể

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực từ 1/9/2015; Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo nhiều đại biểu quốc hội, những luật này sẽ khiến cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành vào 22/5 tới đây thuận lợi hơn. Những luật này quy định rõ cách thức bầu cử, tiến trình bầu cử, cũng như quy định cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu. Từ đó, cử tri có thể lựa chọn những đại biểu xứng đáng là “đại biểu dân cử”.

Cụ thể, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu. Theo đó mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 người. Bên cạnh đó, điểm mới của luật này là trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây.

Luật cũng quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Đồng thời, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ.

Về cơ cấu đại biểu chuyên trách và không chuyên trách, Luật Tổ chức Quốc hội quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất từ 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật đã phân định rõ thời gian hoạt động của đại biểu chuyên trách và không chuyên trách. Cụ thể tại Điều 23 của luật đã nêu rõ: Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Tạo thuận lợi cho người dân ứng cử và bầu cử

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết các luật mới trên có hiệu lực khắc phục được hạn chế của các luật cũ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện quyền công dân kể cả ứng cử và bầu cử. Chẳng hạn, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định người đang bị tạm giam được bầu cử thể hiện rõ tinh thần của Hiến pháp mới (Hiến pháp 2013). “Người đang bị tạm giam chưa mất quyền công dân, họ có quyền bầu cử. Qui định này trong luật đảm bảo quyền chính trị của công dân mà trong luật cũ không có. Trước đây không có hòm phiếu để họ thực hiện nghĩa vụ công dân”, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết.

Cũng theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của người ứng cử, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Hay việc quy định cụ thể về cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; quy định tỷ lệ tối thiểu phải có 35% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thể hiện Quốc hội khóa tới sẽ chuyên nghiệp hóa hơn.

“Việc quy định tỷ lệ nữ ứng cử, tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số ứng cử đã đảm bảo bình đẳng giới, tính chất vùng miền. Quốc hội khóa trước hạn chế đại biểu nữ, quy định này trong luật sẽ đảm bảo tối thiểu tỷ lệ nữ ứng cử phải đạt được, từ đó số đại biểu nữ trúng cử sẽ cao hơn”, đại biểu Bùi Văn Xuyền khẳng định.

Theo đại biểu Bùi Thị An, các luật trên có hiệu lực trước thời điểm bầu cử đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác bầu cử. Thuận lợi đầu tiên có thể thấy rõ là sự chuẩn bị chu đáo cho công tác bầu cử, dựa vào các luật trên để xác định, định hướng rõ về tỷ lệ, giai tầng, cơ cấu đại biểu. Từ đó, cử tri có căn cứ để lựa chọn đại biểu là những người đại diện cho tiếng nói của người dân.
Xuân Phong