06:17 07/06/2021

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan trong bối cảnh COVID-19 bùng phát

Ngành Hải quan đang nỗ lực tạo điều kiện thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, thương nhân như: Áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục hành chính; huy động lực lượng phân luồng xe, bố trí cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục nhanh nhất trong bối cảnh doanh nghiệp lao đao vì “làn sóng” COVID-19.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo ông Nguyễn Khắc Hùng - Phó Giám đốc Công ty Tân Vạn Phúc, dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong giao nhận hàng hóa giữa hai bên Trung Quốc và Việt Nam. “Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp được lực lượng hải quan hướng dẫn rất kỹ trong việc áp dụng 5K; tạo thuận lợi nhanh nhất khi làm thủ tục thông quan hàng hóa. Trong 5 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã được thông quan lượng hàng hóa với giá trị km ngạch đạt 2 triệu USD.

Có trụ sở tại tỉnh Hải Dương, Công ty Best Pacific Việt Nam (cung cấp phụ kiện thời trang cho các thương hiệu thế giới) đã chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Tuy nhiên, nhờ các Bộ, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn kịp thời, trong đó có lực lượng Hải quan nên công ty không bị gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp đánh giá cao hệ thống thông quan tự động của Hải quan. Hệ thống này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí khi làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ tích cực từ Chi cục Hải quan Hải Dương, Cục Hải quan Hải Phòng...Theo đó, cơ quan chức năng đã lập các nhóm chat Zalo để kịp thời nhận được sự phản ánh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

“Tuy hoạt động xuất khẩu đối với ngành hàng may mặc gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19; các nước đối tác còn có thêm nhiều quy định về kiểm soát chất lượng lô hàng, khiến doanh nghiệp gặp trở ngại khi kê khai thông tin, nhưng doanh nghiệp được công chức hải quan của tỉnh thường xuyên hướng dẫn, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn”, ông Lưu Tiến Chung, Giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Bắc Giang LGG cho biết.

Để tận dụng cơ hội từ chính sách của Trung Quốc cho phép hàng hoa quả Việt Nam gồm có 9 loại (thanh long, nhãn, vải, mít, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chuối) và hoa quả các nước được nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) tại cầu Bắc Luân II theo hình thức mậu dịch thông thường (doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch), Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã bố trí đầy đủ lực lượng để kịp thời thông quan hàng hóa 24h/7, giám sát hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, hàng hóa của nước thứ 3 quá cảnh qua cầu Bắc Luân II - Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ước tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đơn vị đã giải quyết thủ tục thông quan cho hơn 1.700 tấn hoa quả (rầu riêng, măng cụt) qua cầu Bắc Luân II, Móng Cái, Quảng Ninh.

“Hải quan Lạng Sơn cũng đã đưa mặt hàng vải thiều quả tươi vào danh mục mặt hàng ưu tiên nên thời gian làm thủ tục cho một xe hàng chỉ 5 - 10 phút”, ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết. Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), để tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho mặt hàng vải quả tươi, Chi cục đã tiến hành phân luồng riêng cho mặt hàng vải thiều và bố trí một khu vực dành riêng cho các phương tiện chở vải thiều tập kết chờ làm thủ tục. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phân công cán bộ, công chức trực từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối, bất kỳ lúc nào doanh nghiệp xuất khẩu vải đưa hàng lên cửa khẩu đều được thông quan ngay để tạo điều kiện giải phóng hàng nhanh nhất, tránh nắng nóng gây hư hỏng.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, 5 tháng đầu năm 2021, ngành Hải quan đã đảm bảo thông quan cho lượng hàng hóa đạt 262,42 tỷ USD, tăng hơn 33%, thu ngân sách tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước.

Để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã có văn bản giao cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó các chi cục hải quan trực thuộc triển khai hướng dẫn người khai hải quan khai, nộp hồ sơ hải quan cho cơ quan Hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Nhằm phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao, trong những tháng tiếp theo của năm 2021, Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành bám sát và triển khai nghiêm túc Chỉ thị 215/CT-TCHQ của Tổng cục Hải quan về việc tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu. Trong đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Để tạo điều kiện cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP  năm 2021 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2021; đồng thời, toàn hệ thống tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Chú thích ảnh

 

Tuyết Nhung/Báo Tin tức