08:15 20/08/2019

Tạo 'sức bật' phát triển vùng ĐBSCL - Bài 2: Đầu tư đồng bộ để phát huy tiềm năng

Do điều kiện tự nhiên phức tạp, nhiều sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông ở khu vực Tây Nam bộ khá cao.

Dù đã được quan tâm đầu tư nhưng do khó khăn về nguồn lực nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như khai thác tiềm năng về nông, thủy sản của vùng. Hạn chế về hạ tầng giao thông khiến chi phí logistics trong khu vực khá cao, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và cần những giải pháp phù hợp để tháo gỡ. 

Chú thích ảnh
Cầu Vàm Cống nhìn từ phía huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tiềm năng lớn

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam với đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông...

Tại Kiên Giang, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương khá lớn. Tuy nhiên, chất lượng đường giao thông chưa tốt, quy mô nhỏ; thiếu đồng bộ từng đoạn trên tuyến quốc lộ qua địa bàn, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển hàng hóa, thủy hải sản, nông sản đến tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh cũng như đi các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, làm phát sinh chi phí vận chuyển cao, hàng hóa, thủy hải sản, nông sản giảm chất lượng do vận chuyển xa trong thời gian dài.

Cùng cảnh ngộ này, An Giang cũng gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Tuyến Quốc lộ 91, tuyến giao thông độc đạo nhỏ, xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cầu Vàm Cống đã khánh thành và đưa vào sử dụng, nhưng dự án tuyến đường tránh qua thành phố Long Xuyên hiện mới ở giai đoạn kiểm kê, giải phóng mặt bằng...

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết, tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên hiện đang được trung ương và tỉnh triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, đây là niềm hy vọng rất lớn cho tỉnh An Giang. Có được tuyến đường tránh này thì các xe tải trọng lớn, xe container sẽ đến được An Giang, từ đó xuyên qua tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ còn diễn ra ít nhất là trong 3 năm tới.

Hầu hết các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Kiên Giang, An Giang đều gặp khó khăn về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển như.  Với địa hình sông nước, giao thông thủy là thế mạnh trong vận chuyển hàng hóa trong vùng, nhất là xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhưng đang gặp khó vì thiếu đồng bộ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt cho rằng, An Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, nhưng giao thông hiện đang là trở ngại lớn. Các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất nhưng hàng hóa không thể chở bằng container, tàu trên 10.000 tấn không thể cập cảng thì rất khó để kêu gọi đầu tư, bởi nếu đầu tư thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng cao, lợi nhuận giảm đi.

Theo Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang, hiện giao thông đường thủy nội địa vẫn là lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính, hạn chế lớn nhất là không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính như bán kính cong hạn chế, tĩnh không các công trình vượt sông như cầu, cống không đảm bảo… Nhiều tuyến đường thủy quốc gia chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, nạo vét, dẫn đến luồng lạch ngày càng bị bồi lấn và dần bị thu hẹp, ảnh hưởng nhiều đến chi phí vận doanh và chất lượng sản phẩm.

Đầu tư cho trục ngang

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, các tuyến trục ngang tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, suất đầu tư lớn nên mới có một số đoạn tuyến được đầu tư, nâng cấp như Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống, Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Hành lang ven biển phía Nam, một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 63... Trong khi đó, hai trục ngang cao tốc: Châu Đốc - CầnThơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, theo quy hoạch, tiến trình đầu tư phải sau năm 2030.

Chú thích ảnh
Đường cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long đoạn ngang qua tỉnh Long An. Ảnh: Vietnam+

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, các tuyến trục ngang tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được quan tâm đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, suất đầu tư lớn nên mới có một số đoạn tuyến được đầu tư, nâng cấp như Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống, Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ - An Giang, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Hành lang ven biển phía Nam, một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 63... Trong khi đó, hai trục ngang cao tốc: Châu Đốc - CầnThơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, theo quy hoạch, tiến trình đầu tư phải sau năm 2030.

Thạc sỹ Phan Minh Tân thuộc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam TEDIs đánh giá, tiến độ thực hiện các dự án kết nối đường bộ theo quy hoạch còn chậm và thiếu đồng bộ về cấp kỹ thuật và quy mô đầu tư nên chưa thể hỗ trợ cho các tuyến trục dọc đã hoàn thành. Hiện hầu hết lưu lượng vận tải đều tập trung chủ yếu trên các tuyến như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60… đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài trong các dịp cao điểm trên các tuyến đường bộ cửa ngõ ra vào TP Hồ Chí Minh, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận…

Tại An Giang, hiện không chỉ tuyến Quốc lộ 91 chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, giao thông ở các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đi các huyện, thị xã vẫn còn nhiều bất cập. Hai Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, cùng hai Cửa khẩu quốc gia Long Bình và Vĩnh Hội Ðông đến nay vẫn chưa thể thông suốt. Hiện tuyến đường bộ lên cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, xe có tải trọng 30 tấn không thể lưu thông, do các tuyến tỉnh lộ kết nối, nhất là quốc lộ 91 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thành Huân, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết, Tịnh Biên có rất nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, có khu công nghiệp Xuân Tôn với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Thời gian qua, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đến khảo sát để đầu tư hàng loạt dự án trang trại chăn nuôi, chế biến xuất khẩu nông sản quy mô lớn. Vậy nhưng, rất nhiều nhà đầu tư sau khi xem xét đã "một đi không trở lại" do hạ tầng giao thông kém. Đến nay khu công nghiệp Xuân Tô rộng hàng trăm hécta vẫn còn bỏ trống.

Trong khi đó, hai cửa khẩu Long Bình và Vĩnh Hội Ðông thuộc huyện An Phú, cách thành phố Châu Đốc 30km, cũng chung một cảnh ngộ. Cầu Long Bình- Chray Thom nối hai nước Việt Nam - Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh chỉ hơn 70km, là cửa ngỏ để hàng hóa của Việt Nam đi vào thị trường Campuchia và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện tại tuyến Quốc lộ 91C và tuyến tỉnh lộ 957 không thể tải nổi xe có tải trọng hơn 20 tấn với mật độ dày đặc, khiến mọi hoạt động giao thương tuyến biên giới ách tắc.

Ông Mai Minh Hùng, Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) chia sẻ, dù cầu Long Bình - Chray Thom đã thông nhưng đường ách tắc thì vẫn không thể phát triển. Muốn đẩy mạnh kinh tế biên mậu, phát huy lợi thế cửa khẩu cả đường bộ lẫn đường thủy trên tuyến biên giới, phải đầu tư nâng cấp hai tuyến Quốc lộ 91C và tuyến tỉnh lộ 957. Bên cạnh đó, hệ thống đường đấu nối giữa hai tuyến cũng chưa thông cho nên không thể kỳ vọng nhiều vào kinh tế biên mậu lúc này.

Liên quan vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Do đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư để kêu gọi nguồn vốn đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong giai đoạn trước năm 2030, đảm bảo kết nối đến cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) sau khi được xây dựng và kết nối với các cửa khẩu dọc biên giới Campuchia.

Riêng tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Bộ Giao thông Vận tải  kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh lộ trình đầu tư đoạn từ Rạch Giá đến Hà Tiên lên giai đoạn trước năm 2030 và sẽ phối hợp với các bộ ngành và tỉnh Kiên Giang xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn đầu tư trước đoạn Rạch Giá - Hà Tiên để kết nối với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1.

Dù vậy, để tạo “sức bật” cho vựa lúa gạo, thủy sản của cả nước, bên cạnh đầu tư các tuyến đường bộ, đường thủy, Đồng bằng sông Cửu Long cần một trung tâm tiếp vận hậu cần (logistics), tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, kéo giảm chi phí vận chuyển, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Bài 3: Hình thành một trung tâm logistics cho vùng

Tiến Lực – Công Mạo – Thanh Liêm (TTXVN)