02:07 09/02/2019

Tạo sự đồng thuận để 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại; cải thiện, nâng cao đời sống cũng như tham gia giải quyết có hiệu quả hơn nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Những kết quả quan trọng này đạt được nhờ có sự phối hợp thông suốt từ các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhân tố quyết định trong việc bảo vệ an ninh trật tự

Chú thích ảnh
Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tham gia cứu trợ, vận chuyển lương thực để ổn định cuộc sống nhân dân trong những ngày mưa lũ cuối tháng 7 năm 2018. Ảnh: Cương Quyết/TTXVN

Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng và Bác Hồ “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”; “Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân, huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”; công tác dân vận luôn được xác định là một trong những nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị, nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân. Qua đó, lực lượng Công an nhân dân có điều kiện triển khai sâu rộng các mặt công tác nghiệp vụ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Lực lượng Công an nhân dân đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ; tăng cường rà soát, kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; công bố công khai và tổ chức cập nhật các thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích cực đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, điện tử phục vụ công tác, rút ngắn thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực công tác công an liên quan đến cơ quan, tổ chức, công dân; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đơn vị...

Năm 2018, hàng trăm cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Hình sự, ma túy, điều tra, giải quyết các vụ tai nạn, va chạm giao thông, việc thực hiện một số quy định trong công tác xây dựng lực lượng, chấp hành các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài... đã được tiến hành. Ngoài ra, lực lượng công an các cấp đã tiếp hàng chục nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; giải quyết hàng chục nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm trình tự pháp luật.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ tấn công, trấn áp tội phạm, lực lượng Công an nhân dân đã triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm theo các lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm phá rừng, buôn lậu gỗ qua biên giới; vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ.

Bằng công tác nghiệp vụ và thông qua vận động nhân dân, công an các địa phương, đơn vị đã vận động trên 1.000 đối tượng truy nã ra đầu thú; vận động nhân dân tố giác, cung cấp nhiều thông tin quan trọng phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao. 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tinh gọn, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Bộ Công an; Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung, thống nhất đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đến nay, Bộ Công an đã cắt giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục, gần 300 đơn vị cấp Phòng...

Thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân xác định tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ theo tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an; tập trung kiện toàn về tổ chức và cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là thực hiện chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận có tác phong “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quán triệt tới từng cấp đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, uy tín, kinh nghiệm làm công tác dân vận; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ.

Vận động quần chúng cùng tham gia xây dựng, phát triển

Chú thích ảnh
Mô hình điểm về tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất với diện tích hơn 10 ha, chuyên trồng rau màu và khoai tây tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực cải cách, nâng cao chất lượng công tác dân vận từ bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện tốt công tác dân vận, đặc biệt trong việc vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương.

Nam Định là tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 1.650 km2, dân số gần 2 triệu người. Cơ cấu dân số của Nam Định thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo, trong đó tín đồ Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành có số lượng khá lớn nên công tác vận động quần chúng nhân dân có những tính chất phức tạp đặc thù.

Để vận động quần chúng nhân dân góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với mục tiêu đưa Nam Định trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh xác định làm tốt việc định hướng, vận động theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” chính là kim chỉ nam giúp Nam Định đạt được những thành công mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải kể đến việc vận động hiệu quả các hộ nông dân đồng thuận thực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất.

Thông qua dồn điền, đổi thửa, các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hình thành các cánh đồng mẫu lớn; vận động các hộ gia đình và nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi; hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công các công trình đầu tư cải tạo nâng cấp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong, Nam Định xuất phát là một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn. Do đó, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ rất khó để hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là bài toán nan giải khi Nam Định mới bắt đầu thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, Nam Định đã sớm đề ra quan điểm xuyên suốt trong thực hiện mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới trước hết phải bắt nguồn từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, phương châm “Người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Quan điểm này sau khi được đả thông đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân và con em quê hương trong việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tính đến hết năm 2018, tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới của Nam Định đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn từ ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 23,5%; còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác; đồng thời tạo việc làm với thu nhập ổn định cho người nông dân ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Nam Định cũng đã chủ động vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo, cùng với các tín đồ và nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường”.

Công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới ở Nam Định được các cấp ủy, chính quyền xác định là quá trình kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không có điểm dừng, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Theo kế hoạch, năm 2019, Nam Định sẽ về đích nông thôn mới và sau đó tiếp tục triển khai Kế hoạch nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Hiền Hạnh (TTXVN)