02:22 25/02/2015

Tạo sự chuyển biến về văn minh đô thị

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện các mục tiêu của “Năm trật tự văn minh đô thị”, trong đó tập trung vào nội dung trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện các mục tiêu của “Năm trật tự văn minh đô thị”, trong đó tập trung vào nội dung trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Chuyển biến bước đầu

Sau 1 năm thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” năm 2014, việc đổ rác tại các ngõ ngách phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) đã quy củ hơn. “Cứ đến tầm giờ xe rác đi qua, các hộ gia đình mới đem rác ra đổ. Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường đường, ngõ, khu phố sạch sẽ hơn”, bà Bạch Thị Đồng, người dân phường Ngọc Hà cho biết.

Trước đây, người dân thường để rác trước cửa hoặc một góc ngõ khiến mất mỹ quan đô thị. Dù đã dán giấy, kẻ vôi thông báo “Không đổ rác” nhưng tình trạng không thay đổi khiến hàng xóm nghi ngờ lẫn nhau và đôi lần xảy ra xích mích. “Trong năm 2014, tổ vệ sinh môi trường và các tổ chức chính trị, đoàn thể vào cuộc vận động, giải thích từng hộ dân và dần dần việc đổ rác đã thành thói quen”, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân vệ sinh môi trường cho biết.

Dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh: Thanh Thủy


Đây cũng là cách làm được triển khai tại các phường trong các quận nội đô và từng bước tạo sự chuyển biến. “Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra phải thường xuyên, chỉ cần lơ là, buông lỏng thì việc đổ rác không đúng nơi quy định, đổ trộm phế thải xây dựng lại tái diễn. Do đó, có những đợt, lãnh đạo quận và các ngành chức năng không chỉ vận động mà còn trực tại các “điểm nóng” về vi phạm môi trường để xử lý trong đó phạt nặng các đơn vị vi phạm, tình hình mới ổn định”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để triển khai các hoạt động trong Năm văn minh và đô thị 2015, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị môi trường trên địa bàn và các quận, huyện thực hiện đúng thời gian thu gom, vận chuyển rác và phun rửa đường; sử dụng các xe thu gom rác loại nhỏ, bảo đảm vệ sinh để tổ chức thu gom rác trong ngày đối với khu vực công cộng và đông dân cư. Sở tiếp tục rà soát các điểm tập kết rác, xe gom rác để điều chỉnh vị trí tập kết bảo đảm mỹ quan đô thị.

“Hà Nội đang trong quá trình xây dựng nên không tránh khỏi bụi bẩn. Tuy vậy, thanh tra xây dựng và cảnh sát môi trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các công trường xây dựng không thực hiện biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, để vật liệu trên hè phố, lòng đường, đổ trộm phế thải”, ông Lê Văn Dục cho biết.

Tăng cường xử phạt vi phạm


Cùng với vấn đề vệ sinh môi trường, “điểm nóng” trong Năm trật tự văn minh đô thị Hà Nội vẫn là trật tự an toàn giao thông. Dù hạ tầng giao thông Hà Nội trong vài năm gần đây đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng và tổ chức lại giao thông nhưng tình trạng ùn ứ và lộn xộn vẫn là vấn đề nan giải. Đầu năm 2015, khi Sở GTVT Hà Nội thu hồi dải phân cách cưỡng bức trên các tuyến phố lớn, tình trạng giao thông đã diễn ra khá lộn xộn. Nguyên nhân chính do nhiều người thiếu ý thức trong chấp hành luật lệ giao thông. “Nhiều xe máy chạy vào làn xe ô tô, rồi tình trạng vượt đèn đỏ, nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm... Rõ nhất là dịp Tết Ất Mùi vừa qua, tình trạng đèo ba, không đội mũ bảo hiểm tại nhiều tuyến phố. Chỉ khi nào thấy lực lượng chức năng, họ mới chấp hành quy định”, bác Lưu Đức Mạnh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, việc tách dòng phương tiện để tăng khả năng lưu thông là cách làm nhiều nước giao thông phát triển áp dụng. Tuy nhiên, việc phân làn tại các tuyến phố Hà Nội cho thấy hiệu quả không cao do hạ tầng không phù hợp và ý thức người tham gia chưa cao. Khi không thấy lực lượng công an, thanh tra giao thông thì xe máy lấn sang làn ô tô thường xuyên. Do vậy, bỏ phân làn bằng bê tông là hợp lý và thay vào đó là phân cách mềm. Tuy nhiên việc phân làn này chỉ hiệu quả khi ý thức người dân đã được nâng cao.

Do đó, bên cạnh việc tổ chức lại giao thông nhiều tuyến phố, để nâng cao ý thức chấp hành giao thông, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, thành phố Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tạo chuyển biến trong ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc thực hiện “Năm văn minh đô thị 2014” đã đạt chuyển biến bước đầu như giảm điểm đen giao thông, thành phố xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng và công việc này vẫn tiếp tục triển khai trong năm 2015 để khắc phục những nhược điểm, bất cập chưa giải quyết trong năm 2014. Một trong những bất cập là tình trạng đi lại lộn xộn và nguy cơ ùn tắc giao thông có thể tái phát. Thực tế, việc xây dựng cầu vượt đã giảm ùn tắc hiệu quả trong thời gian qua nhưng với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay (hơn 500.000 ô tô và khoảng 4 triệu xe máy) và ý thức chấp hành giao thông còn nhiều bất cập thì nguy cơ tái phát ùn tắc giao thông dễ xảy ra.
Bên cạnh việc tổ chức lại hệ thống giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm qua việc “phạt nguội”, thành phố sẽ triển khai Đề án thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng; khuyến khích các tổ chức du lịch vận chuyển bằng xe điện đủ tiêu chuẩn đảm bảo mỹ quan và môi trường; loại bỏ, không cho lưu hành các xe tự chế, xe đạp - xe máy điện không đảm bảo tiêu chuẩn gây nguy hiểm khi lưu thông...

“Từ việc triển khai chỉ thị 01/CT-UBND về “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, các sở ngành, địa phương phải nhìn nhận rõ những chuyển biến thời gian qua cũng như những vấn đề nào còn tồn tại hoặc chuyển biến chậm để tiếp tục khắc phục trong năm 2015; trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn giao thông…”, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Để phân làn tách phương tiện, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức thu hồi dải phân cách cưỡng bức trên các tuyến Phố Huế, Hàng Bài, Xã Đàn, Bà Triệu và một phần trên đường Giải Phóng… Đây cũng là một trong những giải pháp tổ chức lại giao thông Hà Nội. Việc tổ chức phân làn, phân luồng chỉ áp dụng với những tuyến phố và thời gian nhất định để định hình ý thức người tham gia giao thông.

Sau khi ý thức người dân được nâng lên sẽ thay phân làn cưỡng bức bằng sơn kẻ đường, biển báo giao thông. Những vỉa ba toa và biển báo phân làn sẽ được dùng để tổ chức phân làn trên các tuyến phố mới. Sau khi thu hồi dải phân cách, Sở GTVT chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, tổ chức giao thông trên các tuyến phố đã được dỡ bỏ dải phân cách. Sở cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt những người đi sai làn.

Sở GTVT đã giao cho Ban quản lý dự án duy tu rà soát những tuyến đường hướng tâm (từ đường vành đai 3 trở vào) có mật độ giao thông lớn, điều kiện mặt đường cho phép, người điều khiển phương tiện đi lại lộn xộn sẽ cho lắp vỉa ba toa, tiếp tục phân làn. - Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.



Xuân Minh