07:22 06/07/2014

Tạo sự chuyển biến nhận thức trong đoàn viên

Là lực lượng lớn sử dụng phương tiện xe buýt, các tổ chức đoàn, hội sinh viên các trường cũng đã có nhiều hình thức để tuyên truyền, tạo dựng văn hóa khi đi xe buýt trong học sinh, sinh viên

Là lực lượng lớn sử dụng phương tiện xe buýt, các tổ chức đoàn, hội sinh viên các trường cũng đã có nhiều hình thức để tuyên truyền, tạo dựng văn hóa khi đi xe buýt trong học sinh, sinh viên


*Nguyễn Thiên Tú, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Hà Nội: “Đa dạng hình thức tuyên truyền”


Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức trong văn hóa giao thông, trong đó có văn hóa xe buýt, Hội Sinh viên thành phố sẽ tổ chức một loạt chuỗi điểm hẹn sinh viên về an toàn giao thông từ tháng 3 đến tháng 9 trong năm 2014. Theo đó, BTC sẽ mời những người nổi tiếng, như các nghệ sĩ đến nói chuyện về ATGT, về văn minh xe buýt để tác động đến hành vi của sinh viên. Sau đó, sinh viên tham gia các trò chơi, sinh hoạt mang tính trải nghiệm tình huống nhằm thu hút sinh viên. Thực tế nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy học sinh, sinh viên dễ bắt chước theo người nổi tiếng và qua đó lan tỏa thành phong trào.

Trạm trung chuyển xe buýt ở Cầu Giấy luôn đông đúc sinh viên


Bên cạnh đó, Hội Sinh viên thành phố sẽ phát động cuộc thi làm clip an toàn giao thông, trong đó văn hóa xe buýt như từ các tình huống hài vui nhộn, gần gũi với cuộc sống. Đây là những clip ngắn thịnh hành mà diễn viên là chính sinh viên. Từ những việc xảy ra hàng ngày tác động đến ý thức khi tham gia và hình thành văn hóa chấp hành luật khi tham gia giao thông. Việc thi các clip này sẽ tổ chức theo từng cụm trường; sau đó, thi cấp thành phố, sau đó những clip hay sẽ tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.


Từ những hoạt động này Hội Sinh viên thành phố mong muốn chuyên đổi nhận thức trong học sinh sinh viên chấp hành văn hóa giao thông đô thị Hà Nội nói chung và văn hóa xe buýt nói riêng. Thực tế, những hoạt động tuyên truyền rộng rãi về văn hóa giao thông, nhất là văn hóa xe buýt đã có những tác động đến văn hóa tham gia xe buýt như nhường người già, giúp đỡ những người tàn tật.


*Lại Mạnh Duẩn, Trưởng Ban phong trào CLB tình nguyện thủ đô: “Tuyên truyền ngay đối tượng sinh viên mới nhập học”


Hiện tôi đang công tác tại Xí nghiệp xe buýt Thăng Long và tham gia hoạt động tình nguyện nên có cơ hội hiểu rõ dịch vụ và nhu cầu của học sinh, sinh viên. Trong năm 2013, tôi đã đi 1.500 trường học và bến xe buýt trong nội và ngoại thành Hà Nội để tìm đường đi gần nhất từ các bến xe, nhà ga phục vụ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng năm 2013. Công trình bản chỉ đường các tuyến xe buýt sau khi hoàn thành được Thành đoàn Hà Nội in ra để tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh mùa thi đại học và cao đẳng. Trong năm 2014, tôi tiếp tục hoàn thiện bản đồ này và thêm các hướng dẫn kỹ năng khi đi xe buýt, làm sao để tuyên truyền về văn hóa giao thông và văn hóa khi đi xe buýt. Qua quan sát thực tế thì nhiều học sinh mới lên thành phố và chưa biết hết các quy định xe buýt. Nếu đỗ đại học cao đẳng thì chính những đối tượng này là người sử dụng dịch vụ xe buýt. Do đó, cần cấp cung đầy đủ thông tin về tuyến, lộ trình và kỹ năng khi đi xe buýt cho những đối tượng này.

Nhiều bạn trẻ chưa tuân thủ ý thức chấp hành lên đúng cửa lên xuống của xe buýt


Trong khi đó, phần đông các sinh viên, học sinh đi theo tuyến cố định có văn hóa xe buýt cao, chỉ một số vẫn còn thiếu ý thức như nhường ghế cho người cao tuổi, nói chuyện điện thoại to trên xe, vứt rác. Do đó việc tuyên truyền, giáo dục với nhiều học sinh, sinh viên tiếp tục tại trường thông qua các cuộc ngoại khóa, thi tìm hiểu an toàn giao thông. Các cuộc thi này nên phát động tại các trường có đông sinh viên sử dụng như tuyến Tây Sơn – Nguyễn Trãi - Hà Đông; tuyến Cầu Giấy – Nhổn; tuyến Hoàng Quốc Việt.


Đối với CLB thanh niên tình nguyện hiện có 300 thành viên đến từ các trường và đã đi làm cũng sẽ tập trung tuyên truyền văn hóa giao thông, văn hóa xe buýt hướng tới bạn trẻ thông qua facebook. Thực tế, các bạn trẻ đều có facebook làm nơi sinh hoạt, giao lưu. Từ các hình ảnh cũng như thông tin của chính người tham gia xe buýt sẽ vừa giáo dục đi xe buýt vừa cảnh báo những việc làm chưa được của đơn vị phục vụ.


*Mai Nam Phong, Bí thư đoàn Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội: “Gắn với các hoạt động ngoại khóa”


Là trường chuyên ngành về giao thông nên công tác đoàn tập trung tuyên truyền về các quy định an toàn giao thông thông qua các hội thi, các buổi sinh hoạt ngoại khóa từng chi đoàn, kỹ năng lái xe an toàn.


Trước cổng trường Đại học GTVT là điểm chung chuyển xe buýt Cầu Giấy với mật độ tham gia giao thông cao. Theo phản ánh thì nhiều sinh viên của trường hay băng qua đường chứ không đi qua cầu vượt. Chính vì vậy, đoàn trường đã thành đội tình nguyện túc trực giờ cao điểm hướng dẫn các bạn sinh viên đi qua cầu vượt, không đi đường ngược chiều và tuyên truyền về văn hóa khi đi xe buýt. Sau hơn 1 năm làm tích cực, tình hình nay đã chuyển biến rõ nét. Hầu hết sinh viên của trường chấp hành đúng quy định.


Bên cạnh đó, 300 sinh viên của chúng tôi còn tình nguyện tham gia các hoạt động của thành đoàn Hà Nội về văn hóa giao thông, trong đó có tuyên truyền về văn hóa xe buýt. Việc tuyên truyền tiến hành thường xuyên hơn, kết hợp đồng bộ với các giải pháp như đưa vào môn học trong nhà trường, tiêu chí trong thi đua, xử phạt nghiêm minh... mới có sự chuyển biến rõ nét.


Để xây dựng hình ảnh văn minh trên xe buýt phải đồng bộ từ nhiều phía. Trước tiên là về cơ sở hạ tầng xe buýt phải tốt từ chất lượng xe, bến đỗ lên xuống, thái độ lái phụ xe, các quy định lên xuống xe phải đồng nhất… Với những tuyến xe buýt đông sinh viên giờ cao điểm, đơn vị có thể tăng cường thêm xe để giảm sự chen lấn. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần sớm giải quyếtmột số điểm nổi cộm về tình trạng trộm cắp.


Bên cạnh đó, với những người đi xe buýt, nhất là học sinh sinh viên phải được cung cấp thông tin về xe buýt, các kỹ năng khi sử dụng phương tiện công cộng, văn hóa giao tiếp khi đi xe như không nói chuyện to trên xe, nhường ghế cho người lớn tuổi, giúp đỡ người già, người tàn tật…


Xuân Cường