12:19 03/12/2015

Tạo sản phẩm văn hóa từ di sản Truyện Kiều

Nếu có thể tập hợp các loại hình nghệ thuật có liên quan đến Truyện Kiều vào một không gian chung, sẽ hình thành nên một sản phẩm văn hóa đặc sắc, lành mạnh và thú vị không chỉ đối với người Việt Nam mà với cả du khách quốc tế.


Làm giàu thêm di sản văn hóa dân tộc

Trong số các tác phẩm văn học được chuyển thể thành những loại hình văn hóa khác nhau, thì Truyện Kiều được chuyển thể sang nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật nhất. Từ tuồng, chèo, cải lương ca kịch, ví dặm, đến âm nhạc, hội họa, điện ảnh, cho đến các sinh hoạt văn hóa dân gian…

Một góc vườn Kiều của ông Phạm Văn Khoát.

Mới đây, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Đề án tuyên truyền, quảng bá “Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du”, nhằm tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thể hiện với những góc nhìn mới qua việc sử dụng một cách đa dạng hóa việc hiểu tác phẩm, cũng như phương thức lưu truyền, quảng bá di sản của Nguyễn Du trong thời kỳ đổi mới. Theo đó, trong thời gian tới, nội dung Truyện Kiều sẽ được đặt lời hát dựa trên các loại hình nghệ thuật như hát chèo, cải lương, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ, dân ca bài chòi, ca trù, hát văn, hát xẩm, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ.

Theo đề án, Bộ VHTTDL cũng sẽ đặt các đơn vị chuyển soạn, đặt lời từ 5-10 làn điệu thuộc loại hình nghệ thuật được lấy cảm hứng từ Truyện Kiều… Nhà hát múa Rối Việt Nam xây dựng một trích đoạn thuộc loại hình nghệ thuật rối cạn có nội dung từ Truyện Kiều… Đề án cũng yêu cầu tổ chức, biên tập, ghi âm, ghi hình, tổng hợp thành một bộ DVD từ 3-5 đĩa có độ dài từ 90-105 phút/DVD, gồm những tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian đặc sắc, có nội dung từ tác phẩm Truyện Kiều. Việc ban hành đề án tuyên truyền về Truyện Kiều với kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm, các giá trị văn hóa mới làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc, để người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế thêm hiểu và yêu quý, trân trọng kiệt tác Truyện Kiều.

Thạc sỹ Lư Thị Thanh Lê, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ngoài một Truyện Kiều tồn tại dưới dạng văn bản, các hình thức nghệ thuật dựa trên chất liệu Truyện Kiều ở Việt Nam tuy phát triển đa dạng, nhưng chưa tập hợp được trong một không gian chung. Nếu có thể tập hợp các loại hình nghệ thuật có liên quan Truyện Kiều vào một không gian chung, sẽ hình thành nên một sản phẩm văn hóa đặc sắc, lành mạnh và thú vị không chỉ đối với người Việt Nam mà với cả du khách quốc tế.

Một công viên Truyện Kiều

Thạc sỹ Lư Thị Thanh Lê đã đưa ra một ý tưởng khá mới mẻ, đề xuất xây dựng một công viên giải trí dựa trên Truyện Kiều. Cụ thể, dựa trên những di sản văn hóa mà Nguyễn Du để lại, xây dựng một không gian nghệ thuật - du lịch Nguyễn Du - Truyện Kiều. Công viên này có thể bao gồm nhiều tiểu không gian: không gian chiếu phim tư liệu và trưng bày hiện vật liên quan đến Nguyễn Du; không gian mô phỏng các tiết đoạn chính của Truyện Kiều; không gian biểu diễn Truyện Kiều (nhạc kịch, ngâm vịnh, bình giảng, múa ba-lê,...); không gian bói Kiều; các khu vực chụp ảnh nhập vai nhân vật Truyện Kiều, có sử dụng các vật dụng được mô tả trong tác phẩm; khu vực bán, trưng bày sách và bán đồ lưu niệm... Thạc sỹ Lư Thị Thanh Lê tin rằng, những hình thức biểu diễn nghệ thuật này nếu được tập hợp trong một không gian chung, sẽ tạo nên những ấn tượng sâu sắc đối với người xem. Vì vậy, nếu được quy hoạch xây dựng và khai thác tốt, công viên Truyện Kiều sẽ đem lại những triển vọng nhất định đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, đồng thời Truyện Kiều sẽ liên tục được làm mới với sự sáng tạo không ngừng, để phù hợp bối cảnh thời hiện đại, đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, nhất là công chúng trẻ.

Trên thực tế, trên thế giới, các công viên giải trí theo chủ đề (theme park) lấy cảm hứng từ một tác giả, hay một tác phẩm nghệ thuật đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân. Ở Tây Ban Nha có bảo tàng Don Quixote dựa trên tác phẩm cùng tên của Xécvantéc, Trung Quốc có bảo tàng Tây Du Ký dựa trên tác phẩm cùng tên của Ngô Thừa Ân, Nga có bảo tàng Chiến tranh và hòa bình dựa trên tiểu thuyết cùng tên của L.Tônxtôi, Nhật Bản có bảo tàng Hoàng Tử Bé dựa trên tác phẩm cùng tên của thi hào Pháp Sain-Exupery... Những bảo tàng này giúp công chúng trải nghiệm tác phẩm một cách sống động bằng nhiều giác quan, chứ không chỉ bằng cách thức truyền thống duy nhất là đọc.

Tại Việt Nam, mô hình vườn Kiều của ông Phạm Văn Khoát (Đồng Nai) cũng đã phần nào mang hơi hướng của mô hình này. Trong khu vườn rộng chừng 3.000 m2, ông Khoát đã bài trí một không gian cảnh vật dựa theo nội dung trong Truyện Kiều. Đó là tượng Kim Trọng trên lưng ngựa, tượng hai chị em nàng Kiều e ấp trước mộ Đạm Tiên… Ông cũng lặn lội sưu tầm các loại cây trồng, các tượng động vật được nhắc đến trong Truyện Kiều để trồng trong vườn, xây dựng những công trình được nhắc đến trong truyện Kiều như lầu Ngưng Bích, Liễu Chương Đài, Am Các Tự hay nhà Hoạn Thư. Dưới mỗi bức tượng hay cây cảnh, đều có chú thích bằng những câu thơ trích ra từ Truyện Kiều… Tuy chỉ là một mô hình có quy mô nhỏ, lại do cá nhân tự xây dựng, nhưng vườn Kiều của ông Khoát cũng đã thu hút sự quan tâm của những người yêu Nguyễn Du, yêu Truyện Kiều.

Trong bài viết về không gian văn hóa Nguyễn Du và du lịch văn hóa, PGS.TS Trần Nho Thìn cũng nêu quan điểm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, những giá trị văn học to lớn của đại thi hào Nguyễn Du cần phải được phát huy, không chỉ trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà cả trong việc quảng bá hình ảnh của quê hương nhà thơ, cũng như góp phần phát triển kinh tế Hà Tĩnh, thông qua việc tìm hướng khai thác di sản văn học Nguyễn Du cho du lịch văn hóa và văn học. Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, văn học là tài nguyên quan trọng của du lịch văn hóa. Từ nơi ở tác giả, từ đường, mộ, bia, nhà kỷ niệm, câu đối hoành phi, hiện vật điêu khắc, những tài nguyên liên quan trực tiếp bản thân tác giả, câu chuyện về cảnh tượng, nhân vật, sự kiện… trong tác phẩm đều có sức hấp dẫn người du lịch. Chính vì vậy, việc xây dựng, sáng tạo và phát huy tài nguyên văn hóa trong du lịch từ không gian văn hóa Nguyễn Du, từ các sáng tác của Nguyễn Du là một hướng đi quan trọng của du lịch hiện đại, và việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa từ di sản của Nguyễn Du sẽ có rất nhiều triển vọng.
Phương Hà