09:22 24/09/2015

Tạo niềm tin giữa ngân hàng với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo các chuyên gia, Việt Nam có hơn 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có thể vay được nguồn vốn ngân hàng.


Chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp hơn 40% GDP, sử dụng 51% lao động toàn xã hội nhưng hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn khó tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển, mở rộng sản xuất.

Chỉ 30% doanh nghiệp vay được vốn

Đơn cử như Tập đoàn đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành (Long Biên, Hà Nội) là đơn vị chuyên ngành đầu tư xây dựng quản lý, vận hành các nhà máy nước sạch cho các khu công nghiệp, quận huyện... với 16 nhà máy nước hoạt động trên toàn quốc, dòng tiền về đều đặn hàng tháng nhưng đến nay vẫn khó vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Tường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn, ông đã thế chấp 3 căn nhà để vay ngân hàng nhưng cũng chỉ vay được 5 – 6 tỷ đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với nhu cầu của DN. Đã có hơn 10 ngân hàng đến gặp ông Tường nhưng tất cả đều không thể cho vay, vì tập đoàn không có tài sản đảm bảo.

Các doanh nghiệp nhỏ đang khó tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


“Tại sao ngân hàng chỉ nhìn vào tài sản thế chấp, trong khi chúng tôi có dòng tiền về đều đặn, đủ điều kiện để trang trải cho ngân hàng, công ty không nợ xấu, không nợ quá hạn mà không được vay vốn, mở rộng sản xuất?”, ông Tường bức xúc đặt ra câu hỏi.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay vốn ngân hàng là kênh chủ yếu của nhiều DN, nhưng số DN vay được vốn không nhiều, một số DN không đủ điều kiện pháp lý do ngân hàng quy định.

Bên cạnh đó, một số DN không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Những thủ tục chưa thông thoáng, thiếu kịp thời của các ngân hàng làm mất thời cơ của DN.

Từng làm việc trong hệ thống ngân hàng, T.S Nguyễn Đại Lai, nguyên là Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) giải thích, trên thực tế nợ xấu của ngân hàng đối với các khoản tín dụng của DNNVV rất thấp, nhưng DNNVV lại rất thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình. Trong khi ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng. Thực tế, nhiều DNNVV chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền của mình.

Tạo dựng niềm tin và cơ sở pháp lý

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến, cho biết, ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn, sẵn sàng tạo điều kiện cho DN vay. Nếu DN có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh tốt thì ngân hàng sẵn sàng cho vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các DN xếp hạng tín nhiệm (CIC) ra đời và phát triển. Thông tin từ các CIC sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của DN đối với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, đây là thông tin mà các ngân hàng quan tâm, có yếu tố quyết định để ngân hàng cho vay và đánh giá DN.

Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh nhận định, muốn vay được vốn, DN phải chứng tỏ được mình là người muốn trả nợ, tức là phải chứng tỏ là người đáng tin. Do đó, yếu tố anh có muốn trả nợ không là quyết định chứ không phải phương án vay.

Các doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng thương mại nên đặt niềm tin vào họ. Muốn có được niềm tin lẫn nhau, ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) cho biết, DN cần quan tâm đến hệ thống báo cáo tài chính, số liệu phản ánh chính xác, được kiểm toán theo quy định. Như vậy, các tổ chức tín dụng mới có thông tin để đánh giá, phân tích và thẩm định nhu cầu vay vốn DN. Bản thân các DN phải tự hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành DN theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm... để tạo niềm tin đối với các tổ chức tín dụng.

Cùng đó, các Hiệp hội, ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình, làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và DNNVV tiếp cận nhau.

Theo các chuyên gia, cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính từ Chính phủ đối với DNNVV, đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Qũy phát triển DNNVV.

Cùng đó, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa chính sách trợ giúp đối với các DN ngoài hỗ trợ về lãi suất như: chính sách ưu đãi về thuế, đất đai...


Thu Trang