10:08 28/10/2015

Tạo môi trường học tiếng Anh trong trường mầm non

Để trẻ mầm non học tiếng Anh có hiệu quả cao, phải tạo ra môi trường học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.


Tạo môi trường học tiếng Anh cho trẻ đồng nghĩa với việc trẻ được tiếp xúc với môi trường trong đó tràn ngập tiếng Anh. Trẻ được chơi những trò chơi bằng tiếng Anh, được xem những video, tranh ảnh minh họa, nghe cô hát và hát theo cô bằng tiếng Anh… Đồng thời, các cô không đặt gánh nặng học tập lên vai trẻ mà làm cho lớp học luôn luôn là giờ vui chơi, tạo cho trẻ hứng thú với việc học tiếng Anh.

Hiện nay việc đưa tiếng Anh vào trường mầm non cho trẻ làm quen còn gặp nhiều khó khăn. Tại đa số trường mầm non mỗi tuần chỉ có một vài buổi cho trẻ “làm quen” với ngôn ngữ thứ hai này. “Thông thường trong tuần sẽ có một buổi học tiếng Anh, những buổi còn lại các con sẽ học tiếng Việt”, cô Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên lớp 4 tuổi, trường mầm non Hồng Phong, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cho biết.

Được tham gia các trò chơi trong giờ học, trẻ sẽ tiếp thu tiếng Anh hiệu quả hơn.

Với khoảng thời gian ngắn, trẻ không kịp làm quen và định hình về tiếng Anh. Hơn nữa, trong các giờ học tiếng Anh, các cô chỉ nói bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng chỉ “đá” một vài từ tiếng Anh nên trẻ không đủ điều kiện để phản xạ và hiểu được tiếng Anh, thầy Nguyễn Quốc Hùng, Chuyên gia giảng dạy Tiếng anh hàng đầu ở Việt Nam, cho biết.

Đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu cũng là một trong những lý do khiến việc tạo môi trường dạy tiếng Anh cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn.

“Mầm non là cấp học đầu tiên và chính là giai đoạn vàng trong phát triển của cuộc đời”.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Các cô giáo mầm non vốn không được đào tạo tiếng Anh để dạy tiếng Anh cho trẻ, nên không có kỹ năng dạy tiếng Anh để trẻ tiếp thu được tốt nhất. Các cô cũng chưa biết khai thác giáo trình để truyền đạt cho trẻ. “Không hiểu hết giáo trình nên không thể kể được các câu chuyện hay, hoặc tổ chức các trò chơi cho các con”, cô Nguyễn Thị Lan Hương phân tích.
Thêm vào đó, để dạy cho trẻ mầm non, trình độ tiếng Anh của các cô không cần cao siêu, nhưng bắt buộc phát âm của các cô phải chuẩn. Tuy nhiên hiện nay, phát âm lại là vấn đề khó khắc phục của các cô. “Trẻ ở cấp học này tiếp thu rất nhanh và nhớ lâu, nếu chúng tôi dạy sai dẫn đến việc trẻ phát âm sai thì sau này rất khó sửa”, cô Hoàng Thị Thanh, giáo viên mầm non, trường mầm non Đức Chính, xã Đức Chính, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cho biết.

Để tạo điều kiện tốt nhất và đầy đủ nhất cho trẻ mầm non được tiếp cận với tiếng Anh, theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, giải pháp lý tưởng nhất là huấn luyện những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các cô giáo mầm non về việc dạy trẻ học tiếng Anh. Để triển khai đại trà được điều này, các trường, Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy chế phù hợp tạo điều kiện cho các cô bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng.

Tiếp theo nhà trường phải đưa ra yêu cầu, nhằm động viên các cô tự học vì có rất nhiều sách để nghiên cứu về vấn đề này. Khi các cô tự học như vậy nhà trường phải có những kiểm tra đánh giá, thu hoạch. Đồng thời đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cần phải được đưa công khai lên mạng để các cô tự tìm hiểu và hiểu rõ về nội dung cũng như mục đích của đề án này, thầy Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Lê Xuân