04:17 22/04/2021

Tạo hành lang pháp lý cho xã hội hóa đầu tư nước sạch

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện có khoảng 60% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư theo chủ trương xã hội hóa ngành nước của Chính phủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; tuy nhiên, việc xã hội hóa nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc mà doanh nghiệp tư nhân gặp phải khi đầu tư vào ngành nước. Đó là chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định, việc thực hiện luật và chính sách chưa triệt để và cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ, còn chưa minh bạch thông tin mời gọi đầu tư, khó khăn tiếp cận vốn…

Theo ông Huân, để tạo động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp thoát nước, cần công bố thông tin một cách minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương và có hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập; đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải. Đặc biệt, cần có cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng. 

 Để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước, nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ. Tuy nhiên cũng cần có cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội.

Ông Olli Keski Saari, Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Vietnam cho biết, muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư sẽ cần 2 yếu tố chính là cơ chế chính sách rõ ràng và cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho các doanh nghiệp. Bởi theo ông Olli Keski Saari, nếu các công ty tư nhân cảm thấy không đảm bảo được về quyền lợi sở hữu, không tin tưởng sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư, thì khó có thể thu hút nguồn lực đầu tư từ tư nhân.

Video các chuyên gia kiến nghị về chính sách xã hội đầu tư nước sạch:

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên Nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có các quy định liên quan đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong việc kinh doanh nước sạch. Vừa rồi Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch, trong đó có giao Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo luật quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch và dự kiến sẽ trinh Quốc hội vào năm 2022”, ông Khuyến cho biết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý Tài nguyên nước nghiên cứu sửa đổi Luật tài nguyên nước, dự kiến trong nhiệm kì Chính phủ này sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, nội dung về xã hội hóa trong cấp nước nói riêng và các nội dung về điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu minh bạch phục vụ công tác quản lý cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất nước sạch được đầy đủ nhất.

Tin, clip: Thu Trang/Báo Tin tức