03:19 22/03/2015

Tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho du lịch

Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, nhằm tạo đà phát triển mới cho du lịch năm 2015.

Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, nhằm tạo đà phát triển mới cho du lịch năm 2015 và những năm tiếp theo, đồng thời tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp hơn cho du lịch.

Khai thác đặc điểm của từng thị trường


Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết: Nhận diện thương hiệu mới của du lịch Việt Nam với logo và slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” (Vietnam Timeless Charm) ra mắt dịp cuối năm 2014, đang được ngành du lịch quảng bá rộng rãi thông qua các hội chợ du lịch quố tế. Đi kèm với logo – slogan mới là các thương hiệu nhánh, gắn với 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo: Biển đảo, văn hóa, sinh thái và tham quan thành phố.

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách trong Năm du lịch quốc gia – Thanh Hóa 2015.


Tại hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2015, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4/2015, ngành du lịch sẽ tập trung giới thiệu những di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh. “Đây là cơ hội để tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch giới thiệu kết quả nghiên cứu những thị trường khách du lịch trọng điểm; trong đó có thị trường truyền thống Anh - Đức và thị trường mới Ấn Độ - Trung Đông. Thị trường truyền thống Anh – Đức đã được khai thác từ nhiều năm nay, nhưng với sự hỗ trợ của dự án EU, từng phân khúc khách hàng, thói quen du lịch được phân tích khá chi tiết, để từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Cụ thể, hướng thu hút khách của thị trường này là dòng sản phẩm du lịch văn hóa và sinh thái”, ông Lê Tuấn Anh cho biết.

Cùng với đó, thị trường mới Ấn Độ - Trung Đông được Tổng cục Du lịch nghiên cứu khá chi tiết trong thời gian gần đây. “Đây là những thị trường khách mới tập trung khai thác trong hơn một năm qua. Ấn Độ là thị trường tiềm năng, với việc kết nối đường bay thẳng từ năm 2014. Tuy nhiên đây là đối tượng khách có chi tiêu vừa phải và cần có dòng sản phẩm thích hợp. Còn thị trường Trung Đông hướng tới khả năng chi trả cao, đòi hỏi phải có dịch vụ cao cấp, tập trung vào dòng sản phẩm nghỉ dưỡng. Trong những năm gần đây, hạ tầng dịch vụ của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của đối tượng này”, ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, những nghiên cứu đối với từng thị trường này mới chỉ là những phác họa ban đầu để định hướng cho các doanh nghiệp du lịch cũng như  các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với thị hiếu của từng thị trường; các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch…

“Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh về sản phẩm du lịch giữa các nước trong khu vực ngày càng quyết liệt, nếu không tạo dựng sản phẩm và hình ảnh quảng bá chuyên nghiệp sẽ rất khó thu hút khách, nhất là với dòng khách thị trường truyền thống và khách chi trả cao. Do đó, từ những định hướng của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nghiên cứu chi tiết hơn để tạo dựng sản phẩm phù hợp”, một đại diện doanh nghiệp cho biết.

Liên kết nhóm kích cầu nội địa

Năm 2015 được chọn là Năm du lịch Quốc gia – Thanh Hóa với chủ đề “Kết nối các Di sản Thế giới” cũng là dịp mở ra các hội hợp tác, đầu tư liên kết tạo dựng sản phẩm mới. “Việt Nam là đất nước có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tuy nhiên với du lịch, các di sản này mới chỉ ở dạng tiềm năng và để thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách cần có sự đầu tư, tạo dựng sản phẩm đặc trưng và cách quảng bá, truyền thông hấp dẫn”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Cùng với giá giảm, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa vào dịp hè cũng đang được các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh. Trong đó loại hình du lịch di sản kết hợp nghỉ dưỡng đang được các doanh nghiệp khai thác triệt để.


Để làm điều này cần có quy hoạch và kế hoạch dài hạn. “Đơn cử như di sản văn hóa Kinh thành Huế, di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn, di sản văn hóa Hội An, di sản thiên nhiên Thế giới Hạ Long phải mất hàng chục năm mới xây dựng được thương hiệu của mình và để hấp dẫn du khách, những điểm đến này cũng  thường xuyên phải tự làm mới mình.

Do đó, những điểm đến mới như Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) hay như cung đường Tây Bắc, cũng cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ lưu trú, ẩm thực… để tạo sức hấp dẫn khách”, đại diện Ban thị trường, Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết.

Trên thực tế, liên kết nhóm du lịch đã hình thành từ lâu, trong đó đáng kể nhất là liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ để hỗ trợ và có giá giảm giá vào mùa thấp điểm. “Năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có phát động chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.  Tại hội chợ VITM 2015, các doanh nghiệp hàng không và du lịch tiếp tục hình thành nhóm liên kết để  tạo ra các dòng sản phẩm khuyến mại, với giá giảm từ 20-50%, nhưng chất lượng không thay đổi. Với chương trình này, nhiều người dân sẽ được đi du lịch trong nước với giá thấp hơn và tương đương với giá tour đến các nước trong khu vực”, ông Vũ Thế Bình khẳng định.


Bài và ảnh: Xuân Minh