08:08 23/08/2013

Tạo đột phá cho công nghiệp ô tô

Mặc dù được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa đạt được những mục tiêu nhất là về sản lượng xe, tỷ lệ nội địa hóa.

Mặc dù được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn nhưng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa đạt được những mục tiêu nhất là về sản lượng xe, tỷ lệ nội địa hóa.

Lắp ráp xe ô tô du lịch 5 chỗ tại nhà máy Ford Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập” do báo Công Thương tổ chức ngày 22/8, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, cho biết, mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam hiện cũng chưa đạt được.


Ô tô trong nước thiếu tính cạnh tranh


Tính đến nay, đã có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 38 doanh nghiệp 100% vốn trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô với năng lực khoảng 460 nghìn xe/năm, gồm đầy đủ các chủng loại xe con (200 ngàn xe/năm), xe tải (215 ngàn xe/năm)... Một số tập đoàn ô tô lớn trên thế giới như: Toyota, Ford, Nissan, Mercedes... cũng đã vào Việt Nam.


Mặc dù vậy, hiện ngành sản xuất ô tô trong nước mới dừng ở mức độ lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con) nhưng đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 7- 10% đối với xe con (Thaco đạt 15-18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và 35- 40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%).


“Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thực hiện cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu nên việc bảo hộ lớn các doanh nghiệp sản xuất trong nước là không thể tồn tại”. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ công nghiệp ô tô mặc dù đã hình thành, nhưng quá yếu kém. Mục tiêu quy hoạch đặt ra tỷ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50- 90% vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa sản xuất được. Thống kê của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô của Việt Nam đến nay khoảng 210 doanh nghiệp, nhưng chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ và chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa..., một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.


Đáng lưu ý, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết thêm, giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, chất lượng xe mặc dù cải tiến nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Vì vậy, mặc dù giá cao hơn 20% so với xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu vẫn hút khách hơn đối với một bộ phận người tiêu dùng.


Đại diện các doanh nghiệp sản xuất ô tô cho rằng, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước ASEAN là do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất. Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất ô tô cần quan tâm đến việc giảm chi phí để giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm ô tô trong nước.


Tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô


Hiện nay, công nghiệp ô tô trong nước còn đang được bảo hộ bởi chính sách thuế cao áp dụng với xe nhập khẩu. Đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0%. Thời điểm này không còn dài nên theo nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm, nếu không có sự đột phá thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được.


Mặc dù nhiều tiêu chí đề ra trong giai đoạn trước gần như không đạt được, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có nguy cơ phá sản, nhưng theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), quan điểm của Chính phủ là vẫn quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô.


“Ô tô hóa nền kinh tế là xu hướng tất yếu của các quốc gia, khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức 3.000 USD trở lên. Vì vậy chúng ta cần nắm bắt xu thế này, tận dụng nó để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa phục vụ cho việc phát triển công nghiệp ô tô”, ông Dương Đình Giám nhấn mạnh.


Một trong những nguyên nhân trong thời gian qua, chúng ta phải áp dụng chính sách hạn chế phương tiện cá nhân là do sự bất cập của hạ tầng giao thông. Nhưng theo Chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt ngày 25/2/2013, thì đến năm 2020, khối lượng khách vận chuyển sẽ là 5,6 tỷ hành khách với 154,56 tỷ hành khách luân chuyển; khối lượng hàng vận chuyển là 1.310 triệu tấn với 73,32 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển; phương tiện ô tô các loại có khoảng 3,2 - 3,5 triệu xe. “Như vậy có thể khẳng định, điều kiện hạ tầng giao thông của Việt Nam đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô trong cả nước trong giai đoạn tới”, ông Dương Đình Giám khẳng định.


Thời gian vừa qua, quan điểm chính sách phát triển công nghiệp ô tô là quan tâm đến hỗ trợ khâu sản xuất. Tuy nhiên, ông Dương Đình Giám cho biết, quan điểm xây dựng chính sách mới là sẽ quan tâm tới nhu cầu tiêu dùng. Khi tiêu dùng lên cao, thị trường mở rộng thì ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ phát triển tốt hơn.


Thu Hường