10:17 26/10/2021

Tạo động lực mạnh mẽ cho việc đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài sản trí tuệ

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sửa đổi Luật là cần thiết

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan; xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài; qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009, năm 2019 chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết để khắc phục hạn chế, vướng mắc hiện nay. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có 92 điều, trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều và bãi bỏ 2 điều. 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đánh giá, nội dung dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về quyền sở hữu, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

Đại biểu đồng tình việc sửa đổi quy định theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ và trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia. 

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ 2005 và được sửa đổ bổ sung 2 lần vào năm 2009 và năm 2019. Thực tế đã phát sinh những bất cập liên quan đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp dân sự, giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước. 

Đại biểu tán thành việc sửa đổi, bổ sung lần nữa cho phù hợp với tình hình hiện nay, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan đã có hiệu lực thi hành. Luật năm 2019 sửa đổi, bổ sung chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm chuẩn bị kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung cho Luật có tuổi thọ lâu dài chứ không nên vài năm lại sửa, gây lãng phí, tốn kém. 

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với loại giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan để khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành. 

Bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả

Theo đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên), cần có một chính sách mới được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ về việc Nhà nước trực tiếp giao sở hữu một số đối tượng quyền tác giả là kết quả nghiên cứu từ kinh phí nhà nước cho tổ chức nghiên cứu, để các đối tượng này dễ dàng được khai thác và thương mại hóa. 

Ở Điều 8: Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả góp phần tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn; đồng thời, bổ sung chính sách rõ ràng về các đối tượng quyền tác giả đã được tạo ra trước khi thực hiện chính sách "đổi mới". 

Đại biểu nhấn mạnh yếu tố sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể dẫn đến những diễn giải sai lệch rằng người nào đầu tư tài chính, cở sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo ra tác phẩm là tác giả. Đại biểu cho rằng, những người cùng đóng góp thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật để tạo ra tác phẩm là đồng tác giả như dự thảo là chưa phù hợp. Tác phẩm là một sản phẩm sáng tạo tinh thần, do đó, người đầu tư tài chính, cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật không thể coi là đồng tác giả, trừ khi họ là những người trực tiếp có hoạt động sáng tạo tác phẩm, thể hiện dấu ấn sáng tạo của cá nhân tác giả. Do vậy, ở Điều 37 về chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị chỉnh sửa: "Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng quy định tại Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ"

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhận thấy, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp. Điều này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Đại biểu đề nghị sửa lại quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ vì chỉ xét đến nhãn hiệu của nhà sản xuất mà không tính đến trường hợp tổ chức thương mại đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của nhà sản xuất.

Đồng tình với ý kiến, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) ủng hộ Phương án 2 là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu phân tích, Phương án 1 chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số hành vi xâm phạm như: đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng) bị xử lý hành chính. Một số hành vi xâm phạm như: đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không bị xử lý hành chính là chưa phù hợp.

Đỗ Bình (TTXVN)