08:10 30/08/2011

Tạo động lực để phát triển công nghiệp nông thôn

Hoạt động khuyến công đã ngày càng được quan tâm và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hoạt động khuyến công đã ngày càng được quan tâm và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc tạo động lực phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện hoạt động khuyến công còn gặp những tồn tại nhất định khiến hiệu quả không được như mong muốn.

Sớm tháo gỡ những tồn tại

Tại hội nghị khuyến công 21 tỉnh, thành phía Nam được tổ chức tại Tiền Giang mới đây, ông Hoàng Hào Hiệp, Sở Công Thương Bình Thuận cho rằng, định mức hỗ trợ cho mỗi đề án khuyến công theo quy định còn thấp, nội dung hỗ trợ còn hạn chế nên chưa tác động mạnh đến việc khuyến khích các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất CNNT đầu tư vốn phát triển sản xuất. Đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công cũng hạn chế, chưa phát huy hết nguồn vốn khuyến công để phát triển CNNT.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Ảnh: Huy Hoàng – TTXVN


Cùng chung quan điểm này, đại diện Sở Công Thương Trà Vinh nêu ý kiến: Do định mức hỗ trợ hoạt động khuyến công thấp nên chưa hoàn thành sứ mệnh “làm mồi” cho chủ doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư phát triển CNNT và cũng không còn phù hợp với tình hình giá cả lạm phát hiện nay. Định mức khuyến công thấp cũng chưa khuyến khích cơ sở CNNT đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và thu hút phát triển thêm nhiều ngành nghề mới trên địa bàn. Bên cạnh đó, thủ tục hoàn tất hồ sơ khuyến công còn rườm rà khiến rất nhiều chủ DN không “mặn mà’ khi xây dựng đề án.

Đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, lực lượng làm công tác khuyến công đang thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ nên việc khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và khả năng xây dựng, lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi tại địa phương chưa được nhiều và chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển CNNT. Các tỉnh thiếu các đề án có tính khả thi chứ không phải thiếu kinh phí thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, các hoạt động khuyến công thời gian qua còn quá nhỏ và mất cân đối. Trong 7 nội dung khuyến công, chỉ chủ yếu tập trung vào 3 nội dung là đào tạo nghề, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm CN và trình diễn mô hình sản xuất. Cả 3 nội dung này chiếm trên 50% tổng kinh phí khuyến công. Trong khi đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong định hướng các hoạt động khuyến công thông qua mạng lưới khuyến công còn chưa rõ. Các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 134/2004/NĐ - CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển CNNT đến nay tuy tương đối đầy đủ nhưng lại không còn phù hợp với những thay đổi của tình hình mới.

Cần có những cải cách căn bản

Không thể phủ nhận hoạt động khuyến công đã và đang tạo mạng lưới phát triển công nghiệp địa phương (CNĐP), góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn. Địa phương nào nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác khuyến công trong phát triển CNNT thì ở đó giá trị sản xuất CNĐP tăng trưởng khá.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: So với mặt bằng chung cả nước, kinh phí khuyến công quốc gia tuy còn thấp nhưng đã góp phần phát triển CNĐP ở nhiều khu vực nông thôn. Với 7 nội dung hoạt động khuyến công, đã có nhiều nội dung hoạt động tốt như tư vấn phát triển CN, hỗ trợ đào tạo nghề, trình diễn mô hình sản xuất. Tuy nhiên, với tình hình mới, chương trình khuyến công cần phải có những cải cách căn bản cho phù hợp.

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay theo Thứ trưởng Vượng là Cục CNĐP cần sớm hoàn chỉnh việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 134 để Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2011, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạt động CNĐP phát triển trong thời gian tới. “Có như vậy, hoạt động khuyến công sẽ đi vào chiều sâu hơn”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, các Sở Công Thương, các Trung tâm khuyến công cần quan tâm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác khuyến công. Đây chính là khâu then chốt, quyết định tính khả thi trong việc lập, triển khai và thực hiện cụ thể các đề án khuyến công.

Nhiều Sở Công Thương đề xuất xây dựng mô hình khuyến công trọng điểm vùng để tập trung đầu tư tại từng vùng, tránh đầu tư dàn trải nhưng manh mún mà không hiệu quả như hiện nay.

Quan điểm của lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang là phát triển xã nông thôn mới, làng nghề thì xem xã đó, làng nghề đó hiện thiếu cái gì để đưa khuyến công vào xã đó, làng nghề đó. Các DN tiếp cận được nguồn vốn vay nhưng để tiếp cận được cần có sự bảo lãnh. Năm nay, Kiên Giang dự định hỗ trợ 6 tỷ đồng, trong điều kiện DN khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thì sẽ giúp họ giảm bớt khó khăn. Vì vậy, Nghị định 134 nên xem xét lại việc có hỗ trợ lãi suất hay không.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Trần Văn Đấu cho rằng, ngoài nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, huyện cấp hàng năm cho hoạt động khuyến công, nhất thiết phải huy động nguồn vốn tín dụng và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN ở địa phương.
Đại diện Sở Công Thương Tiền Giang đề xuất Cục CNĐP, Bộ Công Thương nghiên cứu thành lập Quỹ khuyến công quốc gia để hỗ trợ dưới hình thức cho vay ưu đãi hoặc vay không lãi nhằm giúp các cơ sở CNĐP giải quyết các nhu cầu về vốn. Bên cạnh đó, chương trình khuyến công cần nghiên cứu mở rộng phạm vi hỗ trợ ngoài khu vực nông thôn và bổ sung một số nội dung hỗ trợ như đầu tư sản xuất năng lượng mới, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng tại DN, hỗ trợ kiểm toán năng lượng, sản xuất sạch hơn... vào Nghị định mới.

Mai Phương