06:05 30/06/2014

Tạo “đòn bẩy” cho bệnh viện tuyến dưới

“Bệnh viện sạch sẽ, mới và khang trang, nhân viên hướng dẫn tận tình nên tôi làm thủ tục đăng ký cũng rất nhanh. Đặc biệt, bác sỹ khám bệnh rất tận tình và tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân. Đây là sự rất khác so với trước đây...

“Bệnh viện sạch sẽ, mới và khang trang, nhân viên hướng dẫn tận tình nên tôi làm thủ tục đăng ký cũng rất nhanh. Đặc biệt, bác sỹ khám bệnh rất tận tình và tư vấn rất kỹ cho bệnh nhân. Đây là sự rất khác so với trước đây", đó là những nhận xét của chị Đào Thị Nguyệt về bệnh viện quận 2 (TP Hồ Chí Minh) sau khi đi khám bệnh về.


"Đòn bẩy" cho tuyến cơ sở


Không chỉ chị Nguyệt, thời gian gần đây, nhiều người dân quận 2 khi đến bệnh viện quận khám cũng bất ngờ vì những chuyển biến lớn. “Lâu rồi mình không ghé bệnh viện tuyến quận để khám vì vẫn cho rằng dịch vụ ở đây rất tệ. Nhưng hôm vừa rồi ghé khám thử thì thấy thật bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi chứng kiến một bác sỹ ngồi lắng nghe và chia sẻ với một bà cụ về việc môi trường gia đình có tác động đến căn bệnh của bà. Người ta thường hay bảo: “Đến bệnh viện chờ 3 giờ chỉ được gặp bác sỹ 3 phút”, nhưng ở đây thì không phải vậy”, chị Lệ Hoa, quận 2, cho biết.

 

Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI). Đây là một trong những kỹ thuật cao đang được thực hiện tại bệnh viện quận Thủ Đức.


Thời gian qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tạo "đòn bẩy" cho các bệnh viện tuyến dưới bằng việc từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực chuyên môn, mở các khoa, phòng khám vệ tinh... Bên cạnh đó, một số bệnh viện tuyến cơ sở cũng được đầu tư xây dựng mới và mở rộng như: Bệnh viện quận 2, Bình Tân, Tân Phú, quận Thủ Đức, huyện Cần Giờ...”. Sở Y tế luôn ủng hộ việc bệnh viện tuyến quận, huyện tự phát triển cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ y tế có năng lực. Sở Y tế sẽ tạo mọi điều kiện để thẩm định xếp hạng từ bệnh viện hạng 3 lên hạng 2, thậm chí lên bệnh viện hạng 1 như tuyến trung tâm", bác sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết.

“Một trong những kết quả nổi bật của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh gần đây là đã nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tình trạng chuyển viện tại các bệnh viện tuyến quận, huyện đã giảm từ 70 - 90%, góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên”, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận.


Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện quận 2, cho biết: Để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, bệnh viện đã thực hiện cải cách quy trình khám chữa bệnh, tăng số lượng bàn khám, sử dụng hệ thống máy vi tính... Bên cạnh đó, bênh viện còn cử bác sỹ tham gia đào tạo những khóa học ngắn và dài hạn. Hiện bệnh viện có 80 bác sỹ có chuyên khoa sâu. Đặc biệt, giao tiếp ứng xử là một trong những việc mà người dân thường hay phàn nàn khi tới bệnh viện. Để giải quyết tình trạng này, bệnh viện thường xuyên có những lớp học, mời chuyên gia, sinh hoạt chuyên đề... Bệnh viện cũng đã thiết lập đường dây nóng để giải quyết thắc mắc của người dân.


Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện quận Thủ Đức, cũng cho biết: “Việc xác định mô hình của bệnh viện tuyến quận, huyện cũng rất quan trọng và sẽ giúp các bệnh viện phát triển mạnh hơn. Trong thời gian tới, bệnh viện xác định trọng tâm mô hình bệnh tật của khu vực và tập trung phát triển chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch. Bệnh viện cũng sẽ xây dựng thêm khu điều trị mới với 450 giường bệnh đạt chuẩn và tiếp tục triển khai những kỹ thuật cao mà bệnh viện chưa thực hiện được như: Triển khai thực hiện kỹ thuật tim mạch can thiệp, chạy thận nhân tạo, xạ trị...”.


Tỷ lệ chuyển viện giảm


Những năm trước đây, bệnh viện quận Thủ Đức được người dân gọi là bệnh viện "ký chuyển", bởi hầu hết các ca bệnh đều phải chuyển lên tuyến trên. Giờ đây bệnh viện đã "thay da, đổi thịt" và tạo được lòng tin của người dân khi đến khám, điều trị bệnh. Chia sẻ về sự thay đổi của bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Trước đây cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện rất nghèo nàn nên không tạo được lòng tin người bệnh, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất ít, có ngày chỉ vài chục người.

Đến nay bệnh viện đã có 27 chuyên khoa sâu với 500 giường bệnh. Các kỹ thuật cao như: nội soi, MRI, mổ nội soi, mổ mắt phaco... đều đã được triển khai tại bệnh viện. Nhờ đó, lượng bệnh nhân tới khám ngày càng đông hơn. Nếu như trước đây trung bình chỉ có 600 - 700 bệnh nhân/ngày, thì đến nay đã lên tới 3.000 bệnh nhân/ngày. Đặc biệt, lượng bệnh nhân chuyển viện đã giảm đáng kể, công suất sử dụng giường bệnh đạt 100%”.


Còn theo bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện quận 2, đến nay bệnh viện đã thực hiện được trên 600 kỹ thuật vượt tuyến, số lượng người khám bệnh tăng từ 300 lượt/ngày lên 1.200 - 1.400 lượt/ngày. Công suất sử dụng giường bệnh tăng từ 50% lên 85% và có thời điểm một số khoa đạt công suất tối đa giường bệnh. Tỷ lệ chuyển viện cũng giảm đáng kể: Năm 2012 giảm 72% và đến năm 2014 đã giảm tới 83%. Bên cạnh đó, các ca bệnh khó như thủng dạ dày, thủng ruột, vỡ lá lách, u tuyến thượng thận, thay khớp háng, mổ nội soi... thậm chí các ca sản như băng huyết sau sinh, khai màng tử cung vỡ... cũng được bệnh viện xử lý thành công.


Bài và ảnh: Đan Phương