06:07 13/06/2014

Tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư - Củng cố niềm tin

Trong suốt những năm qua, Việt Nam có nhiều cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời điều chỉnh chính sách...

Trong suốt những năm qua, Việt Nam có nhiều cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời điều chỉnh chính sách hợp lý hơn và tạo niềm tin cho doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam.


Tạo nhất quán trong thực thi chính sách


Trong nhiều cuộc đối thoại, hội thảo liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) gần đây, câu chuyện được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắc đến chính là Việt Nam cần có những câu trả lời rõ ràng, thông tin minh bạch, thống nhất trong việc triển khai các chính sách pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam chia sẻ, nhà đầu tư luôn cần những câu trả lời rõ ràng trước khi có quyết định đầu tư. Sự minh bạch thông tin là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối các nhà đầu tư lớn yêu cầu về sự minh bạch càng cao hơn.

 

Kết quả kinh doanh của Bosch tại Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định và doanh nghiệp đang có những kế hoạch đầu tư mới.Ảnh:BBNgọc


Cùng nhận định, ông Preben Hjortlund, nguyên Chủ tịch EuroCham, cho rằng, mặc dù một số ngành đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhưng thách thức vẫn xoay quanh việc thực hiện các quy định này. Có sự chậm chễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật và chính quyền địa phương các cấp có cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật khác nhau.

Như đã có quy định rõ ràng về việc doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam có sở hữu nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ có thể hưởng các điều kiện đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, tại các địa phương không có sự diễn giải và áp dụng quy định này một cách nhất quán, một số nơi còn cho rằng công ty Việt Nam trở thành công ty có vốn sở hữu nước ngoài bất kể tỷ lệ vốn sở hữu nước ngoài là bao nhiêu.


Với kinh nghiệm đầu tư 6 năm tại Việt Nam, ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam nhận thấy có sự khác biệt giữa các địa phương khi cấp phép và các thủ tục giấy tờ. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất về năng lực, sự hiểu biết lẫn nhau của các bộ, sở, ban, ngành về các điều luật hay các quy định. Điều này, rất quan trọng trong việc giảm thiểu các thủ tục phiền hà cho không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả trong nước. Ông Võ Quang Huệ chia sẻ: "Vấn đề chung nhất mà doanh nghiệp nước ngoài quan tâm là hành lang pháp lý được cởi mở, rõ ràng và minh bạch. Với tư cách là nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi chỉ mong mỏi sự minh bạch, giải quyết thẳng thắn, dứt khoát từ các cấp chính quyền Việt Nam".


Tiếp tục tin vào thị trường Việt Nam


Thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư và gắn bó với Việt Nam. Dù vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn có niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc:

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đánh giá cao quyết tâm giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Hàng loạt các biện pháp cấp bách sau đó đã thành công trong việc hỗ trợ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển kinh doanh. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch, rõ ràng và có tính tiên liệu hơn. Những chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút vốn FDI sẽ được xem xét sửa đổi phù hợp nhằm bảo đảm tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực…


Sau hơn 5 năm hoạt động, Tập đoàn Bosch (Đức) đã trở thành một trong ít những doanh nghiệp nước ngoài phát triển mạnh mẽ ở cả 3 lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Đến nay, nhà máy đã trải qua nhiều đợt mở rộng quy mô sản xuất với tổng đầu tư lên đến hơn 130 triệu USD, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

“Với chúng tôi, Việt Nam luôn là một thị trường mới, năng động và có rất nhiều tiềm năng phát triển. Vì thế, Bosch sẽ không ngừng mở rộng những hoạt động kinh doanh, đầu tư và không chỉ trong năm 2014 mà cả các năm tiếp theo. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối các ngành hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm mới, cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc tăng vốn đầu tư cho nhà máy công nghệ cao tại Đồng Nai ”, ông Võ Quang Huệ, TGĐ Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho hay.


Tương tự, Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) vừa quyết định đẩy mạnh năng lực sản xuất của nhà máy lốp mới cho xe ô tô. Với tổng vốn đầu tư tăng hơn 41 tỷ 600 triệu yên, dự kiến đến năm 2017, năng lực sản xuất của doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 49.000 lốp/ ngày, trong đó hầu hết xuất khẩu sang những thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản... Trong cuộc gặp gỡ báo giới do BVOT Group tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Hiroyuki Saito, Giám đốc điều hành Bridgestone Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh trong ngắn hạn ở Việt Nam vẫn nhiều hứa hẹn tươi sáng đối với các doanh nghiệp FDI. Nhờ những lợi thế về sự ổn định về chính trị, chính sách thông thoáng về đầu tư… các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng tiếp tục thông qua hoạt động sản xuất đóng góp một phần vào sự phát triển của Việt Nam.


Trong một báo cáo về kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý 1/2014 cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang tăng rõ rệt. Ông Csaba Bundik, Giám đốc Điều hành EuroCham cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh vượt lên trên mức trung bình (từ 50 lên 59 điểm) là một tin tốt. Đây là dấu hiệu phục hồi rõ ràng, vì nó cho thấy các công ty châu Âu đang lấy lại niềm tin vào thị trường Việt Nam.


Tương tự, ông Hung So, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam và mong muốn tham gia nhiều hơn, nhất là trong hoạt động bán lẻ và phân phối tại Việt Nam. Theo ông Hung So, các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng về quy mô thị trường lớn và sự gia tăng nhanh chóng liên tục về quy mô tiêu thụ. Ông Hung So bày tỏ: "Chúng tôi luôn trông đợi những cải cách hơn nữa trong luật pháp từ phía Việt Nam liên quan đến chính sách đầu tư".

 

 Thu Hường - Lê Nghĩa - Anh Tuấn