05:12 08/05/2021

Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển tham gia bầu cử ở huyện đảo Trường Sa

Các ngư dân thường xuyên ở ngoài khơi đánh bắt thủy sản được tuyên truyền vận động đến bầu cử tại huyện đảo Trường Sa.

Chú thích ảnh
Công tác chuẩn bị công tác bầu cử tại UBND thị trấn Trường Sa. Ảnh: Sỹ Tuyên - Thắng Trung - Phan Sáu/TTXVN

Với đặc thù thường xuyên ở ngoài khơi, đánh bắt thủy sản, nhiều ngư dân của tỉnh Khánh Hòa và một số địa phương đánh bắt tại ngư trường Trường Sa thường không có mặt tại đất liền vào Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Do vậy, các ngư dân được tuyên truyền vận động đến bầu cử tại huyện đảo Trường Sa, nơi được tổ chức bầu cử thành hai đợt vào ngày 16/5 và 23/5.

Vận động ngư dân bám biển, tham gia bầu cử

Nghề đánh bắt ngoài khơi, thông thường mỗi chuyến sẽ kéo dài từ 15 - 20 ngày, hoặc cũng có thể lâu hơn. Ngư dân Phạm Ngọc Linh (46 tuổi, trú xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) xác định sẽ khó về kịp bầu cử tại đất liền.

Anh Linh cho biết đã 26 năm đánh bắt ở khu vực Trường Sa. Chuyến đi lần này, anh cùng các thuyền viên chưa biết có về đất liền kịp Ngày Bầu cử hay không. Anh Linh cùng anh em bạn thuyền dự kiến nếu không kịp, sẽ ghé vào các đảo ở Trường Sa đăng ký bỏ phiếu. Anh Linh kỳ vọng các đại biểu được bầu trong khóa này sẽ quan tâm đến các chính sách cho ngư dân nhiều hơn để họ yên tâm bám biển, vừa mưu sinh vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Với anh Trần Bé, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, những lần trước anh ra khơi và trở về đúng dịp bầu cử ở đất liền. Chuyến biển tới có thể sẽ đi quá thời gian, anh đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng khu vực cảng Hòn Rớ tuyên truyền bố trí thời gian để ghé vào các điểm đảo huyện Trường Sa để bỏ phiếu bầu cử. Anh Bé đã chuẩn bị sẵn giấy tờ để khi vào bầu cử sẽ đảm bảo điều kiện.

Bên cạnh anh Linh, anh Bé, nhiều thuyền viên lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử, bầu những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình, do vậy, họ mong muốn sẽ được tự tay cầm lá phiếu, lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài.

Để tuyên truyền, vận động các ngư dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri với người đại biểu dân cử, ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang cho biết, đoàn viên nghiệp đoàn, ngư dân trên địa bàn đã được tuyên truyền về công tác bầu cử, nhắc nhở anh em cố gắng về hoặc vào Trường Sa tham gia bầu cử, hạn chế bỏ thay. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, tờ rơi, thông qua nhóm trên mạng xã hội, nghiệp đoàn còn chụp lại hình ảnh tiểu sử các đại biểu ứng cử, quy định tham gia bầu cử, thời gian đi bầu, các điểm ngư dân được tham gia bỏ phiếu... để ngư dân nắm rõ, thực hiện quyền công dân.

Sẵn sàng phiếu dự phòng cho ngư dân

Chú thích ảnh
Cử tri thị trấn Trường Sa, thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) xem danh sách cử tri được niêm yết tại hội trường UBND thị trấn Trường Sa. Ảnh: Sỹ Tuyên - Thắng Trung - Phan Sáu/TTXVN

Đặc thù của quần đảo Trường Sa là một ngư trường đánh bắt thủy sản rộng lớn của cả nước, số lượng tàu thuyền và ngư dân cập các đảo để tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy móc khá nhiều. Do đó, huyện đảo Trường Sa tổ chức tuyên truyền, lập danh sách, thẻ cử tri dự phòng để sẵn sàng ghi tên, phục vụ ngư dân đang đánh bắt thủy sản trong khu vực không có điều kiện trở về đất liền đúng Ngày Bầu cử; qua đó các ngư dân được đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để bảo đảm quyền công dân.

Ông Phạm Xuân Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa thông tin: "Các điểm bỏ phiếu tại thị trấn đã chuẩn bị phiếu bầu dự phòng phát cho ngư dân. Các kỳ bầu cử trước khá đông, kỳ này đã tuyên truyền qua bộ đàm nên khi vào thực hiện bỏ phiếu bà con sẽ được kiểm tra đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tàu thu phiếu ở các điểm bỏ phiếu trước đã sẵn sàng".

Thượng tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, ngay từ đầu năm 2021, Đảng ủy đảo đã có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về công tác bầu cử và các chương trình, hoạt động triển khai cho quân, dân thị trấn biết, hiểu mục đích, ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử; đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch theo đúng Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

"Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị của các cấp chính quyền, chỉ huy các đơn vị đã sẵn sàng cho Ngày Bầu cử 16/5 tại các khu vực bầu cử sớm. Các khu vực bầu cử còn lại đã hoàn tất công việc chuẩn bị Ngày Bầu cử trên toàn quốc 23/5. Toàn huyện có 6 đơn vị bầu cử cấp huyện, 24 tổ bầu cử; có 48 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 72 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Đối với cử tri vãng lai, không ước lượng được số người, huyện đã chuẩn bị đầy đủ thẻ cử tri không chỉ cho ngư dân mà cả cán bộ đi công tác tại huyện đảo trong thời gian bầu cử. Mặt khác, cử tri khi lên đảo để bầu cử sẽ phải trình sổ đi biển, nơi cư trú, giấy tờ tùy thân, sau đó đảo sẽ bổ sung vào danh sách. Ngư dân ngoài tỉnh sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội; ngư dân trong tỉnh sẽ bầu hai cấp là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh", là những thông tin được ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa chia sẻ trước Ngày hội lớn.

Hiện, Khánh Hòa có 768 tàu đánh bắt vùng khơi; 971 tàu đánh bắt vùng lộng, số lượng ngư dân ra khơi bám biển trong mùa đánh bắt dự kiến khá đông, để mỗi công dân được thực hiện quyền bầu cử, các lực lượng, các cấp đã tiến hành tuyên truyền, phát tờ rơi, hướng dẫn để các ngư dân thuận lợi bầu cử nơi ngư trường đánh bắt.

Thanh Vân (TTXVN)