03:10 23/03/2012

Tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp phụ trợ Nhật Bản

Khẳng định Việt Nam là địa chỉ đầu tư tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới, ông Yasuaki Tanizaki, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh những thuận lợi của Việt Nam trước xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và DNVVN nói riêng.

Tại Hội thảo “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế”, tổ chức ngày 22/3, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam phải có chính sách thu hút đầu tư phù hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Nhật Bản nói riêng.

DN Nhật quan tâm thị trường Việt Nam

Khẳng định Việt Nam là địa chỉ đầu tư tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới, ông Yasuaki Tanizaki, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh những thuận lợi của Việt Nam trước xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và DNVVN nói riêng. Đó là, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác chiến lược. Giá trị của hiệp định này như hiệp định thương mại song phương, điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển.

Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty Sản xuất Phanh NISSIN Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản. Ảnh : Danh Lam – TTXVN


Mặt khác, sau thảm họa kép động đất - sóng thần xảy ra tháng 3/2011, nhu cầu khôi phục sản xuất và xu hướng phân tán rủi ro của hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản hứa hẹn một làn sóng đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, các DNVVN tại quốc gia này có xu hướng đẩy mạnh hợp tác và đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, đồng yên (Nhật Bản) đang tăng cao, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa.

Tuy nhiên, dù coi Việt Nam là đích đến nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất cân nhắc cơ hội cũng như rủi ro khi quyết định đầu tư. Do đó, để thu hút các DNVVN Nhật Bản, Việt Nam phải chứng minh được về lợi thế hấp dẫn hơn các nước trong khu vực. Bởi, không chỉ có Việt Nam đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang có nhiều lựa chọn địa điểm đầu tư khác ngoài Việt Nam.

Không chỉ ưu đãi thuế

Theo ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng và nghiêm túc, có thể xem họ là những nhà đầu tư khó tính. Vì thế, để thu hút đầu tư của họ, cần đáp ứng được các điều kiện mặt bằng, nhà xưởng, hạ tầng điện, nước, viễn thông… chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế.

DNVVN của Nhật Bản chưa thạo việc đầu tư ra nước ngoài, không biết tiếng Anh. Vậy Việt Nam phải chuẩn bị môi trường tiếng Nhật thật tốt để hướng dẫn họ. Các DNVVN Nhật không cần diện tích nhà xưởng lớn, chỉ cần 1.000 - 2.000 m2/xưởng. Cùng với đó, phải xây dựng chính sách hỗ trợ ngành, cụm nhóm sản phẩm khi DNVVN đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ, DNVVN nào đầu tư vào theo mô hình CKD (nhập tất cả linh kiện về lắp ráp) thì hỗ trợ vừa phải, đầu tư theo kiểu IKD (nhập một phần linh kiện, bộ phận về lắp ráp tại nhà máy địa phương) thì hỗ trợ cao hơn… Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

Nhiều nghiên cứu của JICA đã chỉ ra rằng, mong muốn về một điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là tương đối cao, đặc biệt với các DNVVN. Nhưng DNVVN thường không đủ khả năng tài chính mua quyền sử dụng đất xây dựng cơ sở sản xuất, chính vì vậy các khu công nghiệp (KCN) được coi là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, với họ, các KCN của Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ và thiếu các giải pháp hợp lý về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp của Nhật nói riêng.

Yêu cầu của các DNVVN Nhật Bản là việc xây dựng các KCN cần hướng theo tiêu chí: "KCN không chỉ là KCN mà còn phải kết hợp nó thành khu đô thị", ông Motonori Tsuno nói. Theo đó, có những vấn đề mà DNVVN Nhật Bản quan tâm nhưng dường như Việt Nam còn chưa đặt trọng tâm, nhất là về hạ tầng của các KCN.

Theo GS Kenichi Ohno, Giám đốc VDF, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp Việt Nam cho rằng, để thu hút các DNVVN Nhật Bản, Việt Nam phải thu hút được các công ty chủ đạo (các nhà lắp ráp quy mô lớn), vì các DNVVN sẽ đi theo để phục vụ các công ty lớn. Riêng với DNVVN, Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Ví dụ, với chính sách ưu đãi, cần rõ ràng, cụ thể mức ưu đãi đầu tư từng lĩnh vực, chi phí quản lý và thuê đất cùng các dịch vụ hỗ trợ về thuế, hải quan, chuyển phát nhanh; về hạ tầng, các KCN, KCX phải có sự kết nối đồng bộ cảng biển, sân bay, các thành phố lớn. Bên cạnh đó là các dịch vụ điện, nước, viễn thông, xử lý nước thải, nhà xưởng cho thuê, công nhân, kỹ sư phải có chất lượng tốt. Một yếu tố quan trọng nữa là cần phải có các khu nhà ở chất lượng cao, trường học tiếng Nhật, bệnh viện, nhà hàng Nhật Bản, các khu giải trí, môi trường xanh…

Xuân Hương