10:22 19/10/2016

Tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 12 triệu dân và khoảng 250.000 doanh nghiệp (DN) đăng kí kinh doanh, trong đó có khoảng 170.000 DN hoạt động. Nếu so sánh với những quốc gia phát triển cứ 20 người dân có 1 DN thì số lượng DN của thành phố còn chưa tương xứng. Vì vậy, Thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 500.000 DN.

Chất lượng hơn số lượng

Mục tiêu phấn đấu đạt 500.000 DN đang được xem là động lực để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển và xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên vẫn có một số DN bày tỏ quan ngại, lo lắng với mục tiêu này. 

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su thành phố, thành phố có hơn 10 triệu dân, tương đương khoảng hơn 2 triệu gia đình, theo đó cứ 4 gia đình sẽ có 1 gia đình kinh doanh là điều không hợp lý với thực tế. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát mới đây của VCCI, càng ngày DN Việt Nam càng li ti chứ không còn là vừa và nhỏ nữa. Mà theo quy luật kinh doanh thì DN phải ngày càng lớn lên để tăng tính cạnh tranh và tiềm lực tài chính.
“Thành phố không cần thiết phải đặt mục tiêu đạt 500.000 DN đến 2020 mà phải làm sao để cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động lớn mạnh lên”, ông Quốc Anh chia sẻ thêm.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển về cả chất và lượng.

Tương tự, ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Công ty Dây cáp điện Việt Nam cũng cho rằng, đơn vị hoàn toàn ủng hộ mục tiêu này nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại việc này quá tham vọng vì chỉ còn có 4 năm nữa để hoàn thành. Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Công ty SamCo chia sẻ, mục tiêu này của thành phố là cơ hội cho các DN khởi nghiệp, tuy nhiên muốn hoàn thành mục tiêu này chúng ta phải có thị trường để DN phát triển. Mặt khác, chúng ta phải giải quyết các khó khăn cho DN như vấn đề vốn, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh… 

“Chẳng hạn như hiện nay vấn đề quỹ đất cho DN để xây dựng nhà xưởng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi đó quỹ đất ở các khu công nghiệp - khu chế xuất chưa lấp đầy, nên chăng thành phố giúp các DN để có các quỹ đất này. Bên cạnh đó, khi hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, hàng hóa phải có xuất xứ về nguyên vật liệu, DN tự lực rất khó nên mong thành phố phải hỗ trợ về vấn đề nguyên vật liệu và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng cho DN Việt”, ông Toản cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Quốc Anh cho rằng muốn có nhiều DN có chất lượng trước hết thành phố phải tạo ra sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành để giảm thiểu thời gian đi lại cho DN. Nghĩa là phải thực hiện cải cách hành chính hiệu quả, trong đó đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử để giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu cho DN và người dân.

 Ông Quốc Anh cũng dẫn chứng, đơn vị cần làm một văn bản và theo quy trình thì khoảng 5 ngày là xong. Tuy nhiên khi triển khai thì Sở bảo cần có thêm ý kiến quận huyện do đó mất 5 tuần. Cuối cùng, thay vì 5 ngày xong thì công ty phải mất 5 tuần mới hoàn tất một văn bản chỉ vì không có liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành. 

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhìn nhận về mục tiêu 500.000 DN của thành phố, Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN. Thành phố là đơn vị đầu tàu về kinh tế của cả nước, sẽ thành lập 500.000 DN vào năm 2020 hoàn toàn không mơ hồ. Khát vọng này không phải là khát vọng của lãnh đạo mà là khát vọng của cả người dân và DN thành phố. Nếu kiên định và quyết tâm thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. 

“Để hoàn thành mục tiêu này thành phố sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ để DN phát triển. Trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và hỗ trợ vốn cho các DN sản xuất phát triển”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Muốn đạt được con số 500.000 DN, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc mở rộng số lượng DN sẽ được thực hiện nghiêm túc và thực chất. Theo đó, số DN này được tính là những DN hạch toán độc lập, dù DN có nhiều chi nhánh hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau nhưng vẫn chỉ tính là một. Đặc biệt, thành phố chỉ tính số DN đang thực tế hoạt động, không tính những DN đã đăng ký hoạt động kinh doanh nhưng thực tế không hoạt động. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ chú trọng phát triển nâng chất lượng DN, xây dựng những tập đoàn lớn có sức cạnh tranh trong khu vực.

“Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện một số chương trình đột phá, đặc biệt là hỗ trợ DN về vốn đầu tư, vốn đổi mới công nghệ cho DN và tạo ra làn sóng khởi nghiệp. Thành phố đang có gói kích cầu vốn mới khoảng 2.000 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi DN. Thành phố cũng đang triển khai nhiều chương trình đào tạo trong giới trẻ, cộng đồng DN và tích cực khơi thông mọi nguồn vốn để DN tiếp cận dễ dàng, tạo đà cho DN phát triển mạnh hơn”, ông Phong cho biết thêm.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết