06:08 13/06/2012

Tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh hơn

Chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT) Nguyễn Bắc Son đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT) Nguyễn Bắc Son đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhiều độc giả đã có những câu hỏi về quản lý báo chí, tình hình hoạt động và phương hướng phát triển của báo chí. Bên cạnh đó, vấn nạn sim rác, quản lý trò chơi trực tuyến (game online) cũng đã được đại diện Bộ TT - TT đề cập.

 

Hạn chế tình trạng thông tin sai tôn chỉ mục đích


Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò và hoàn thành tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo chí cũng đã thông tin kịp thời về các giải pháp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Báo chí cũng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động lớn như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Báo chí đã đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh...


 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đối thoại trực tuyến với nhân dân. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

 

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ TT - TT cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của hoạt động báo chí. Cụ thể: một số báo, đặc biệt là phụ trương không tuân thủ tôn chỉ mục đích. Một số ít tờ báo đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo.


Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử, còn có nhiều thông tin khai thác các vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo hình ảnh xã hội u ám, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí, đạo đức báo chí. “Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ duy trì thật tốt công tác quản lý nhà nước để hạn chế sai sót trong báo chí, góp phần cho báo chí ngày càng phát triển lành mạnh hơn, xứng đáng với niềm tin của xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Để đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ TT - TT đang xây dựng các phương án quy hoạch báo chí tới năm 2020. Trong đó, Đề án số hóa truyền hình đưa ra yêu cầu rất cao và là cơ hội để ngành thông tin - truyền thông phát triển tốt trên nền tảng kỹ thuật số. “Chúng ta mong muốn và quyết tâm tới năm 2020 thay truyền hình công nghệ analog bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để người dân được xem những kênh truyền hình chất lượng cao”, đại diện Bộ TT - TT chia sẻ.

 

Mong người dân ủng hộ việc quản lý thuê bao di động


Trước sự bùng nổ về điện thoại di động, nguồn tài nguyên số có thể sẽ cạn bởi nạn sim rác tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng đây là vấn đề rất nóng hiện nay. Việt Nam có 88 triệu dân nhưng có tới 130 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 122 triệu thuê bao trả trước (TBTT), 8 triệu thuê bao trả sau. “Thực trạng này khá ngược so với thế giới, khi các nước quy định rất chặt chẽ, phức tạp về việc sở hữu sim trả trước”, Bộ trưởng nói.


Để quản lý hiện tượng sim “rác”, Bộ TT - TT đã han hành Thông tư 04/2012TT - BTTTT quy định quản lý TBTT, trong đó nêu rõ, kể từ ngày 1/6/2012, tất cả người dân muốn sử dụng dịch vụ sim trả trước phải có chứng minh thư nhân dân (CMTND) hoặc hộ chiếu và trong thời hạn 72 giờ mà không kích hoạt thì sim sẽ bị khóa, nghiêm cấm sử dụng CMT của người khác để mua sim hoặc dùng CMT của mình mua sim cho người khác...


Tuy nhiên, theo lãnh đạo bộ, mặc dù cơ quan ban ngành đã tuyên truyền, người dân đã ủng hộ nhưng vẫn còn không ít nhà mạng và đại lý vi phạm quy định của Thông tư 04. “Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành, nhân dân ủng hộ chủ trương này. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các cấp các ngành tăng cường thanh tra giám sát để Thông tư sớm đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng bày tỏ.


Liên quan tới giải pháp ngăn chặn hậu họa từ game online, thay mặt lãnh đạo Bộ TT - TT, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Hiện nay, bên cạnh các trò chơi trực tuyến hợp pháp còn có nhiều trò chơi bất hợp pháp với nội dung không lành mạnh và thường được cung cấp từ các máy chủ ở nước ngoài. “Vì vậy, trước hết, ta phải tăng cường công tác thẩm định nội dung các trò chơi; tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện các vi phạm; xây dựng cơ sở dữ liệu chứng minh thư điện tử để có thể quản lý chặt chẽ hơn người chơi; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chơi, của các cấp các ngành, đặc biệt là của gia đình và nhà trường trong vấn đề này”, ông Hải nói.


Theo ông Hải, Bộ TT - TT đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về quản lý Internet, trong đó nội dung về quản lý game online chiếm một vị trí quan trọng. Đại diện Bộ TT - TT cũng bày tỏ hi vọng, với việc tăng cường những biện pháp, việc quản lý game online sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.


Minh Phương