06:06 04/06/2017

Tạo điều kiện cho ngành sáng tạo phần mềm phát triển

Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ thông tin; trong đó, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phần mềm.

Để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này có thể duy trì cũng như ngành công nghệ phần mềm phát triển, bên cạnh việc hỗ trợ vốn nhà nước, cần tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ phần mềm. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm cần nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra những sản phẩm phần mềm phù hợp với xu hướng thế giới.

Làm khởi sắc thị trường trong nước

Môi trường làm việc văn minh, hiện đại của Công ty Global Cyber Soft, một trong những đơn vị gia công xuất khẩu phần mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Theo các chuyên gia, môi trường cho kiến trúc sư phần mềm làm việc chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, kinh tế, quản lý hành chính… trong nước chưa nhiều. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư sáng tạo phần mềm của các doanh nghiệp.

GS.TS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, để ngành công nghệ phần mềm của Việt Nam phát triển không chỉ cần đến kỹ sư phần mềm giỏi mà còn phải tạo ra được môi trường làm việc cho những người có tư duy kiến trúc sư phần mềm phát triển. Đó là cần có một không gian sáng tạo, khi sản phẩm phần mềm bị hư hay bị lỗi có thể bắt đầu lại mà không bị nhiều áp lực… Trong văn hóa của Việt Nam chưa có tư duy chấp nhận sai, chấp nhận rủi ro cho nên chưa có môi trường cho kiến trúc sư phát triển.

Việt Nam là thị trường sử dụng CNTT và sản phẩm phần mềm tiềm năng, tức thị trường chưa sẵn sàng. Hiện nay, mới chỉ có ứng dụng trong ngân hàng là đòi hỏi bắt buộc, còn thương mại điện tử, trường học, bệnh viện… vẫn chưa phát triển nhanh chóng, vì còn vướng mắc đến chữ ký, thanh toán nên thị trường sử dụng phần mềm ở Việt Nam không có nhiều.

“Riêng Trường Đại học Hoa Sen đã bỏ ra cả triệu USD mua phần mềm của Hoa Kỳ hàng chục năm nay phục vụ cho quản lý giáo dục, nhưng phòng đào tạo vẫn kiểm tra chỉ tiêu, hồ sơ học bạ ra trường… bằng tay. Vì sợ sai sót hay đúng hơn con người chưa có niềm tin vào máy móc”, vị giáo sư này cho biết thêm.

Theo GS.TS Trương Nguyện Thành, nhà nước cần làm cho thị trường trong nước từ tiềm năng sử dụng CNTT trở thành thị trường khởi sắc, phải khuyến khích những khía cạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, trong điều hành về y tế, giáo dục… Đồng thời, cần tạo ra khung pháp lý cho thanh toán tiền qua mạng, chữ ký điện tử...

Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chính phủ đã quyết định chọn ra 240 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ tiêu về thành lập doanh nghiệp, chỉ tiêu về độ sẵn sàng về điện tử và giao cho các bộ, ngành triển khai.

Việc triển khai Chính phủ điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh, thành phố thông minh là con đường duy nhất để đạt được các chỉ tiêu này, do vậy sẽ có những đẩy mạnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống trong năm 2017. Nhờ vậy thị trường nội địa cho ngành công nghệ phần mềm đang có dấu hiệu khởi sắc.

Cơ hội cho doanh nghiệp chuyển mình

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, gồm công nghệ đang nổi hiện nay như: IoT (Internet of things - Internet kết nối vạn vật), AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo), Cloud computing (điện toán đám mây), AR/VR (thực tế ảo), Big Data (dữ liệu lớn)…

Cùng với thị trường nội địa ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT nói chung, công nghệ phần mềm nói riêng đang có sự chuyển mình theo hướng: sáng tạo phần mềm để đóng góp cho thị trường nội địa thay vì chỉ outsourcing (gia công) phần mềm như trước đây.

Hàng năm, Công ty Saigon Tech (đơn vị đầu tư và hoạt động trong Công viên phần mềm Quang Trung) đều tổ chức Cuộc thi Robothon dành cho học sinh tiểu học, thu hút đông đảo các em tham gia và có sức lan tỏa lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Ông Nguyễn Lâm Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đã ý thức được việc sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình nhưng vì họ chưa sẵn sàng và đang học hỏi. Chính IoT và Bigdata sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực đẩy mạnh phát triển các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành của chính quyền và nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, đơn vị trong xây dựng thành phố thông minh, trong đó có QTSC.

Do đó, trong thời gian tới QTSC sẽ tích cực đóng góp vào thị trường trong nước. Cụ thể, QTSC hiện hữu đang tập trung cho outsourcing nhưng QTSC 2 sắp hình thành sẽ tập trung sáng tạo phần mềm trong các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành một nơi cung cấp các giải pháp về công nghệ. Chẳng hạn, QTSC đang cùng với các đơn vị ứng dụng IoT để xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành một đô thị mẫu thông minh.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã biết ứng dụng IoT và Bigdata để sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ. Minh chứng cho điều đó là hiện nay các sản phẩm công nghệ ứng dụng IoT và Bigdata đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực.

Theo VINASA, trong nước đã bắt đầu có một số ý tưởng và có các sản phẩm về IoT như nông nghiệp thông minh, nhà thông minh, y tế…

Cụ thể đến nay, đã có nhiều dự án ứng dụng được đưa vào áp dụng thử nghiệm như: mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ tự động tại Khu nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng năng suất và giảm chi phí đầu tư. Hay hệ thống vé tàu điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai từ cuối năm 2014 đã giúp người dân mua vé dễ dàng hơn; hệ thống thu phí không dừng giúp giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các cửa ngõ…..

Y tế cũng có nhiều cải thiện nhờ việc ứng dụng CNTT, hơn 100 bệnh viện, các cơ sở y tế trong cả nước đã ứng dụng hệ thống quản lý bệnh viện (FPT.eHospital) giúp giảm thời gian đăng ký khám bệnh của bệnh nhân từ 4 phút xuống còn 1 phút, thời gian kê toa của các bác sĩ giảm từ 5 phút xuống còn 2 phút.

Và nổi bật nhất trong thời gian qua ứng dụng IoT đang có ảnh hưởng xã hội sâu sắc đó là tem truy xuất nguồn gốc do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao phát hành.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh chia sẻ, sản phẩm công nghệ do chính người Việt Nam sáng tạo cho người Việt Nam sử dụng sẽ rẻ hơn đồng thời dễ sử dụng hơn so với việc nhập phần mềm từ nước ngoài về.

Như ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo (Tfood), chỉ cần cài đặt ứng dụng trên smart phone, người tiêu dùng dễ dàng soi tem truy xuất và nhận được tất cả thông tin về trang trại, thú y, cơ sở giết mổ, kiểm dịch viên, chợ đầu mối, đại lý đến nhà bán lẻ và cả thời gian xuất chuồng, thời gian giết mổ, thời gian nhập hàng…

Tuy nhiên, đến nay số lượng các ý tưởng cũng như dự án IoT được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả cho người dùng trong nước vẫn còn rất ít. Do vậy, các doanh nghiệp phần mềm trong nước cần rất nhiều nỗ lực để không bị “thua” các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài ngay trên sân nhà.

Việt Âu – Lan Phương (TTXVN)