11:15 10/11/2010

Tạo điểm đến mới

Một trong những sản phẩm du lịch mới mà Thái Lan đang giới thiệu tới thị trường du lịch phía Bắc Việt Nam là thăm quan nhà vườn miền Đông Thái Lan.

Một trong những sản phẩm du lịch mới mà Thái Lan đang giới thiệu tới thị trường du lịch phía Bắc Việt Nam là thăm quan nhà vườn miền Đông Thái Lan. Theo anh Huynh Đăng Khoa, phụ trách maketing của Văn phòng du lịch Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, đây là lần đâu tiên tổ chức một đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp du lịch và truyền thông tại Hà Nội giới thiệu loại hình du lịch mới này.

Tỉnh Chanthaburi cách sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Băng cốc) 250 km nhưng với hệ thống đường cao tốc, du khách chỉ mất 2,5 tiếng xe chạy là đến một đô thị nhỏ với đường phố, quảng cảnh hao hao giống vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Phó tỉnh trưởng tỉnh Chanthaburi, ông Dongsatorn Sajacholapunl giới thiệu với đoàn về tiềm năng loại hình du lịch mới ở vùng là đá quý và trái cây nhiệt đới. Nhiều nhất là sầu riêng, chôm chôm, măng cụt.

Đoàn khảo sát tham quan nhà vườn Thái.

Trong thời gian lưu trú tại resort Maneechan (vùng ngoại ô của tỉnh Chanthaburi), tình cờ, chúng tôi gặp một đoàn khách Việt Nam đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ và được họ cho biết 1 hãng lữ hành tổ chức qua đây vừa đi du lịch, vừa học hỏi bạn về mô hình làm trang trại, trồng cây ăn trái nước bạn. Ông Somchai Phanguenyong, 60 tuổi, hướng dẫn viên kỳ cựu cho biết, ông đã dẫn rất nhiều đoàn du lịch ở miền nam Việt Nam sang tìm hiểu, giao lưu về trồng cây nông nghiệp, còn du khách miền Bắc chủ yếu đi tour theo hành trình Băng cốc- Pattaya là chính. Việc giới thiệu điểm du lịch tại các tỉnh miền đông Thái Lan gồm các tỉnh Chanthaburi, Trat, Royong cũng là để giới thiệu điểm du lịch sinh thái mới của Thái Lan với những vườn trái cây xum xuê bên cạnh những khu nghỉ dưỡng yên ả và bãi biển cát trắng.

Ông Somchai giải thích về biểu tượng của tỉnh Chanthaburi là “con thỏ” bởi cái tên tên Chantha có nguồn từ Chandra - cổ ngữ tiếng Phạn - có nghĩa là "mặt trăng", còn buri nghĩa là tỉnh. Như vậy, Chanthaburi mang ý nghĩa là "tỉnh Mặt trăng" và theo truyền thuyết của phương Đông, mặt trăng gắn liền với biểu tượng con thỏ ngọc. Cách giải thích thứ hai được người dân địa phương cho rằng Chanthaburi là vùng đất sáng như mặt trăng vì vùng này có mỏ đá quí.

Ngay tại buổi đón tiếp đầu tiên tại tỉnh Chanthaburi, người Thái Lan đã thể hiện trong chính sách quan tâm tới phát triển du lịch và sự chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch. Các hãng lữ hành địa phương khi tiếp xúc với doanh nghiệp lữ hành phía Bắc Việt Nam đều rất chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin, từ tờ rơi, hình ảnh cũng như chính sách về giá. Một trong những biện pháp đa dạng hoá sản phẩm du lịch là việc thực thi chính sách “mỗi làng nghề một sản phẩm du lịch”. Ngay sản phẩm quà lưu niệm mà ông Phó tỉnh trưởng tỉnh Chanthaburi gửi tới đoàn là hàng lưu niệm làm từ cói. Một sản phẩm rất đặc trưng mà người dân Chanthaburi đã kết hợp sản xuất các mặt hàng làm từ cói rất hấp dẫn và đa dạng: không chỉ làm chiếu, cói được dùng làm đồ mỹ nghệ như gối, hộp đựng khăn giấy, hình tượng cô gái Thái dùng trang trí… Điều đặc biệt, lãnh đạo du lịch của tỉnh Chanthaburi cho biết, nghề dệt chiếu do người Việt mang qua từ đời vua Rama thứ III (khoảng năm 1832) và nay dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Thái, các sản phẩm thủ công khác làm từ cói đang thực sự thu hút khách du lịch.

Ngay từ đầu năm 2010, trong chiến dịch quảng bá du lịch Thái Lan tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục du lịch Thái Lan có giới thiệu chương trình mới về du lịch nhà vườn tại miền Đông Thái Lan và hiện thực hoá bằng đoàn khảo sát dành cho các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội. Chính vì vậy, trong chương trình khảo sát, đoàn đã được thăm 2 điểm du lịch nhà vườn là “Oriental Garden” cho mua sắm OTOP (On Tambon One Product - mỗi làng nghề một sản phẩm) và nhà vườn Suphatraland rộng khoảng 280 ha.

Tại nhà vườn “Oriental Garden” (tỉnh Chathaburi) du khách không chỉ được giới thiệu về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đá quý mà tại đây du khách có thể xem các công đoạn chế biến bánh mứt, trái cây phong phú và thưởng thức những đặc sản được chế biến sẵn này.

Theo tìm hiểu, người Thái ở đây thành lập các tổ hợp tác sản xuất và phân phối kết hợp nhiều ngành nghề như chế biến các loại kẹo từ thanh long, sầu riêng, dừa,…; các loại dầu cù là, dầu gió, dầu massage từ dược thảo; các loại mắm đặc trưng của địa phương… với giá cả thống nhất. Điều này giúp cho nhà sản xuất và nhà phân phối dễ dàng hợp tác và phát triển mà không gặp phải sự cạnh tranh nào khác.

Trong khi đó, tại tỉnh miền đông Rayong, du khách có thể thăm những vườn cây ăn quả, trang trại rau xanh ngát. Trong đó ấn tượng nhất về sự chuyên nghiệp trong việc kết hợp làm trang trại kết hợp với du lịch là trang trại Suphatraland. Đây là vựa trái cây lớn nhất trong khu vực và được chia thành 2 khu vực: trái cây và rau xanh. Đến nhà vườn Suphatraland dịp từ tháng 5 đến tháng 7, du khách tự tay đi lựa chọn trái cây và thưởng thức hương vị thơm ngon của các loại hoa qua. Nhiều người còn ngồi lên xe điện đi vòng quanh trang trại, họ có cơ hội được thấy hàng trăm loại cây trồng trải dài trong không gian rộng lớn. Từ một trang trại chuyên cung cấp trái cây, Suphatraland đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Mỗi ngày tại đây đón tiếp khoảng 1.500-2.000 khách tham quan. Chỉ mất phí khoảng 3 USD (tương đương 60.000 đồng), du khách được tham quan trang trại và tự do thưởng thức các loại trái cây mình ưa thích. Không chỉ Suphatraland, nhiều trang trại khác ở Rayong đã giúp tỉnh này trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, cũng là nơi tiêu thụ hoa quả lớn nhất ở Thái Lan.

Thưởng thức hoa quả.

Bên cạnh nhà vườn, du khách khi đến Chanthaburi còn có thể xem biểu diễn cá heo "Oasis Sea World" với nhiều màn trình diễn độc đáo. Mỗi show diễn kéo dài khoảng 1 giờ và có thể kết hợp mua sắm quà lưu niệm từ hình ảnh cá heo tại đây. Một trong những điểm dừng chân tiếp theo khá ấn tượng tại Rayong là Tamnan Para, nơi được bình chọn "Champion toilet" với nhà vệ sinh sạch và đẹp nhất Thái Lan. Điểm dừng chân này là một công viên cây xanh với lối đi theo kiểu vườn hoa.

Để tránh nhàm chán, các thành phố du lịch thường giới thiệu các điểm du lịch đạt được tiêu chí “hạng nhất” ở tỉnh mình để thu hút sự quan tâm quyết định điểm đến tham quan du lịch của du khách.

Anh Nguyễn Sơn Hà, giám đốc Công ty lữ hành Thăng Long cho biết, mặc dù là những điểm mới nhưng Thái Lan rất chuyên nghiệp trong phát triển công nghiệp du lịch. Dịch vụ du lịch được người Thái Lan làm rất tốt. Thái Lan luôn có sẵn nhiều hàng hóa du lịch và tràn ngập mọi nơi. Địa phương nào cũng có sản phẩm riêng và dành sẵn cho mua sắm phù hợp. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, nhóm doanh nghiệp lữ hành Hà Nội sẽ đưa ra tour chuyên biệt về loại hình này để thăm dò thị trường.

Xuân Cường