08:09 08/08/2013

Tạo cú huých để các huyện nghèo vươn lên

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ luôn được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) quan tâm. Nhờ đó mà nhân dân các xã nghèo đã được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ luôn được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) quan tâm. Nhờ đó mà nhân dân các xã nghèo đã được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Để bạn đọc hiểu rõ hơn những cố gắng của Đảng ủy Khối DNTW, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Cường(ảnh) , Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW về vấn đề này.

 


Thưa ông, việc thực hiện an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ được Đảng ủy Khối DNTW triển khai trong thời gian qua như thế nào?

Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, những năm qua Đảng ủy Khối DNTW và các cấp ủy đảng trong Khối đã tập trung lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng có giải pháp ứng phó với những khó khăn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực tham gia công tác an sinh xã hội (ASXH) và Nghị quyết 30a của Chính phủ. Có thể khẳng định, ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị thì những đóng góp cho các địa bàn vùng khó khăn của đất nước có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty (TCT), ngân hàng trong Khối.

Chăm sóc diện tích trồng cải bắp sạch ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lê Bá Liễu-TTXVN


Các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong Khối đã chủ động và bằng khả năng cao nhất của mình tích cực tham gia, thực hiện có kết quả công tác xóa đói, giảm nghèo bằng những hoạt động cụ thể, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng, điện - đường - trường - trạm, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó là các hoạt động liên quan đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng như những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội khác. Có thể nói, bằng những hoạt động của mình các đơn vị này đã góp phần tạo diện mạo mới, tích cực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước. Thông qua đó đã thực hiện và giúp cho nhân dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và tạo niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ trong việc hỗ trợ họ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống. Trong 5 năm (2008 - 2012), tổng kinh phí hỗ trợ trong công tác ASXH và Nghị quyết 30a của Chính phủ của các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong Khối có tổng giá trị gần 10.500 tỷ đồng. Trong đó: hỗ trợ, tài trợ công tác ASXH với tổng trị giá 8.569,125 tỷ đồng và hỗ trợ 54/62 huyện nghèo (bằng 87% huyện nghèo của cả nước) với tổng giá trị 1.926,684 tỷ đồng (bằng 87,35% tổng số vốn cam kết hỗ trợ).

Theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Cấp huyện: Đầu tư cho các trường trung học phổ thông; trường dân tộc nội trú huyện (bao gồm cả nhà ở cho học sinh) có quy mô đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; cơ sở dạy nghề tổng hợp huyện (bao gồm cả nhà ở cho học viên); các công trình thủy lợi quy mô cấp huyện, liên xã; đường giao thông từ trung tâm huyện tới xã, liên xã.

Cấp xã và dưới xã: Đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu ở tất cả các xã trên địa bàn huyện (trừ thị trấn), bao gồm: Trường học (lớp học, trường học, kể cả trường mầm non, lớp mẫu giáo, nhà ở bán trú dân nuôi, nhà ở cho giáo viên); trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn (gồm cả nhà ở cho nhân viên y tế); đường giao thông liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, sản xuất tập trung (gồm cả cầu, cống); thủy lợi phục vụ tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp (kênh mương nội đồng và thủy lợi nhỏ); điện phục vụ sản xuất và dân sinh; công trình nước sinh hoạt (tập trung hoặc phân tán, đào giếng, xây bể).

Thưa ông, trong việc triển khai này thì Đảng ủy Khối DNTW đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Có thể nói trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và công tác ASXH, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Trước hết, đó là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các tập đoàn, TCT cũng đang phải đối mặt với việc thiếu vốn, hàng hóa sản xuất tiêu thụ chậm… Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong khối với các địa phương để thực hiện việc giải phóng mặt bằng, rồi những vấn đề liên quan đến chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn hay những công trình phúc lợi cũng khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Nhất là những dự án ở vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình bị chia cắt, phương tiện đi lại khó khăn… Đó là những khó khăn khách quan. Còn những khó khăn chủ quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, những rào cản cũng không phải là ngoại lệ.


Để khắc phục vấn đề này, trước hết Đảng ủy Khối DNTW sẽ chỉ đạo, động viên các tập đoàn, TCT, ngân hàng tiếp tục huy động nguồn lực của mình để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và công tác ASXH. Thứ hai là những đơn vị đã cam kết giúp đỡ 62 huyện nghèo trong cả nước, tiếp tục thực hiện những cam kết đã ký với các địa phương. Bên cạnh đó, những đơn vị đã hoàn thành thì tiếp tục quan tâm đến việc tạo nguồn lực để hỗ trợ cho các địa phương khác với những nhu cầu thiết yếu của người dân. Thông qua đó, lồng ghép gắn với việc xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Hiện nay mới có 26/32, tập đoàn, TCT trong Khối DNTW tham gia vào hỗ trợ công tác ASXH cũng như thực hiện Nghị quyết 30a. Vậy mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ là gì, thưa ông?

Trong giai đoạn tới, chúng tôi vẫn tiếp tục động viên các đơn vị tăng cường đẩy mạnh phát triển, sản xuất kinh doanh, khắc phục những khó khăn trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Trên cơ sở những nguồn lực, tài chính lành mạnh của các doanh nghiệp, các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ trong công tác ASXH và thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ cho đúng, trúng và hiệu quả. Nhất là việc giúp cho người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng để họ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất. Trên cơ sở đó tự họ sẽ vươn lên làm giàu từ những nguồn lực, những cú huých, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp là bà đỡ cho các địa phương và cũng giúp những nơi này tự vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nghị quyết 30a là cơ hội lớn cho người nghèo, huyện nghèo song đi cùng với đó là thách thức, đặc biệt là trình độ, năng lực cán bộ cơ sở trong việc triển khai thực hiện Đề án. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nghị quyết 30a thì hàng năm các huyện nghèo cũng nhận được nguồn vốn đầu tư không nhỏ từ các chương trình, dự án khác. Và việc phối hợp, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn ra sao, đầu tư công trình, dự án nào cho hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân lại phụ thuộc vào từng cơ sở. Thách thức nữa là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của cấp trên, của doanh nghiệp.

Do đó, các huyện nghèo phải biết biến thách thức thành động lực thì việc xóa đói giảm nghèo mới thực sự bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đảm bảo đời sống người dân, giúp người nghèo tận dụng cơ hội từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự trợ giúp của doanh nghiệp và cộng đồng vươn lên thoát nghèo. Cùng với việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cán bộ cơ sở ở các huyện nghèo cũng cần được cầm tay chỉ việc, luân chuyển cán bộ từ cấp trên để việc triển khai các chương trình, dự án làm đến đâu hiệu quả đến đó.


Chính phủ đã phân công cho các tập đoàn, TCT, ngân hàng đỡ đầu, giúp đỡ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, còn những đơn vị khác tuy chưa được phân công nhưng với trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội thì đã có 32 tập đoàn, TCT, ngân hàng trong Khối thực hiện ASXH. Trong đó có 26 đơn vị thực hiện đỡ đầu các huyện 30a. Hiện cả nước có 62 huyện nghèo thì đã có 26 tập đoàn, TCT, ngân hàng hạng đặc biệt của nhà nước nhận đỡ đầu, hỗ trợ 54 huyện. Còn 8 huyện còn lại do các doanh nghiệp khác của các bộ, ngành và các địa phương, nếu chúng tôi động viên họ giành hết cho cả 62 huyện nghèo thì còn nhiều đơn vị khác sẽ không còn địa chỉ để làm.

 

Thưa ông, để tránh tâm lý ỷ lại, chỉ nhìn vào “cơ chế xin-cho”, Đảng ủy khối DNTW sẽ làm gì để xóa nếp nghĩ này?

Để tránh tâm lý ỷ lại, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong khối tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là bên cạnh việc hỗ trợ vật chất thì đặc biệt phải hướng dẫn cho bà con cách thức làm ăn để tự vươn lên làm giàu chính đáng. Thay đổi tập quán trong sản xuất, trong đời sống và cũng hướng dẫn, tập huấn, đào tạo nghề cho nhân dân. Bên cạnh đó cũng khuyến nghị với lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo theo hướng tạo cho người dân điều kiện ban đầu để họ sản xuất, còn lại họ phải tự vươn lên, phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, trong đời sống. Trên cơ sở đó, bằng vật chất và sự hỗ trợ ban đầu của các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong khối, người dân sẽ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

Có ý kiến cho rằng, yêu cầu giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững là vấn đề khó mà thực hiện được, bởi trong thực tế đã nhanh thì không bền vững. Ông cắt nghĩa vấn đề này thế nào?

Cái bền vững là nói về tổng thể chung ở từng địa bàn, từng địa phương (điện, đường, trường, trạm, giống, vốn, cây trồng, vật nuôi và nghề nghiệp, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh…). Còn đối với một hộ nghèo thì yếu tố bền vững còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, có nghĩa là việc hỗ trợ ban đầu cho họ chỉ để giúp họ có sự thay đổi trong tập quán sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả nhiều hơn, tránh tâm lý ỷ lại. Từ đó họ sẽ tích cực hơn trong lao động sản xuất, có thế mới thoát nghèo bền vững được.

 

Các em học sinh dân tộc Mông sinh hoạt tại khu bán trú, Trường trung học cơ sở Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Ảnh: Trọng Đức-TTXVN.

Sự hỗ trợ của các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong thời gian qua là rất lớn, nhưng cơ sở vật chất ở 62 huyện nghèo còn rất khó khăn. Vậy trong thời gian tới Đảng ủy Khối DNTW sẽ tập trung vào trọng tâm nào?

Theo các nội dung mà Nghị quyết 30a đề cập, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, động viên các tập đoàn, TCT, ngân hàng trong khối lãnh đạo các đơn vị để triển khai những nội dung đã cam kết theo đúng như tinh thần Nghị quyết 30a. Qua nghiên cứu, đi thực tế ở những địa bàn vùng khó khăn, huyện nghèo, Đảng ủy Khối DNTW sẽ có những kiến nghị với Trung ương về việc giúp đỡ những địa phương này. Vì ở đây phải có sự đầu tư của nhà nước ở những vấn đề vĩ mô như hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và cả những vấn đề thiết yếu khác. Rõ ràng phải có bàn tay của nhà nước, chứ sự giúp đỡ của các tập đoàn, TCT, ngân hàng mới chỉ giúp được những phần việc cụ thể như giúp đỡ các hộ nghèo như xóa nhà dột nát, xây thêm trường học v.v… Tuy đã có những đơn vị hỗ trợ về giáo dục, y tế, kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng để các huyện nghèo có sự bứt phá vươn lên đầy đủ và đồng bộ thì phải có sự đầu tư, chỉ đạo chung của nhà nước.


Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)