11:17 24/11/2016

Tạo cơ chế thúc đẩy thanh toán điện tử

Xu hướng thanh toán điện tử giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng nói chung và các phương tiện thanh toán mới nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2016 (VEPF 2016) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức ngày 24/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu các bên cũng cần chung tay truyền thông thông tin để thanh toán điện tử thực sự trở nên quen thuộc, thân thiện và văn minh với mọi người dân; góp phần triển khai thành công các mục tiêu đặt ra tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế của Chính phủ (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016).


Tại VEPF 2016, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua một số tổ chức không phải là ngân hàng với lợi thế về mặt công nghệ tham gia vào việc hỗ trợ các nhà băng cung ứng những dịch vụ ngân hàng với ứng dụng công nghệ hiện đại (Fintech); trong đó có dịch vụ thanh toán. Xu hướng này giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng nói chung và các phương tiện thanh toán mới nói riêng, góp phần tăng cường tiếp cận tài chính toàn diện.


Ông Bùi Quang Tiên cũng nhấn mạnh, xu hướng này cũng giúp cho các ngân hàng thương mại Việt Nam giảm bớt chi phí đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cho 16 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó cho phép một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử (NAPAS) và 15 tổ chức cung ứng dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử.

Ông Jan Bellins, Phó Tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi EY cũng thừa nhận thực tế đang diễn ra xu hướng nhiều các ngân hàng đang tìm kiếm các cơ hội để tiếp thu, học hỏi, mua lại hoặc tìm kiếm các quan hệ đối tác với các công ty Fintech.

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi EY cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích mà các công ty Fintech mang lại cho ngân hàng như đem đến những kiến thức về công nghệ, khả năng đổi mới và đáp ứng nhanh nhạy yêu cầu của thị trường thì việc hợp tác này cũng làm tăng độ rủi ro của các ngân hàng (nhất là khi hợp tác với công ty ít tên tuổi).

Ông Jan Bellins khuyến nghị, khi hợp tác với các công ty Fintech, ngân hàng cần rà soát các đặc điểm và chức năng của sản phẩm mới để tránh các ảnh hưởng tiềm tàng về mặt pháp lý. Vì các tổ chức phi ngân hàng có thể không được chuẩn bị đầy đủ các chính sách an ninh toàn diện và quy định về tài chính của họ cũng lỏng lẻo hơn các tổ chức tín dụng truyền thống. Vì vậy, lãnh đạo các ngân hàng cần có sự giám sát chặt chẽ các rủi ro công nghệ mới nổi trên phương diện rủi ro pháp lý.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), dù thị trường được đánh giá là tiềm năng, nhưng các công ty Fintech vẫn trong giai đoạn trứng nước khi các sản phẩm vẫn còn khá sơ khai, đa số chỉ tập trung vào mảng thanh toán, một phần rất nhỏ trong sân chơi tài chính công nghệ.

Thêm vào đó, người dùng vẫn còn giữ thái độ thận trọng với các sản phẩm và dịch vụ mà công ty Fintech cung cấp, nổi cộm nhất là tính năng bảo mật đặc biệt khi có hàng loạt các sự kiện thông tin khách hàng bị mất cắp hay bị lộ bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại tương tự cho các ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ tài chính, chi tiêu và thanh toán khác.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh khẳng định, cùng với sự phát triển thanh toán điện tử những năm gần đây, làn sóng Fintech đã xuất hiện, hình thành nên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin. Bên cạnh những dịch vụ mới mang lại và kỳ vọng trở thành cánh tay nối dài của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống, các Fintech cũng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, là cơ hội khởi nghiệp của nhiều doanh nghiệp nhỏ, các nhóm cá nhân có hiểu biết về công nghệ tham gia thị trường.

“Do vậy, việc nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đi theo trào lưu công nghệ mới cũng xuất hiện những rủi ro, gian lận tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Do vậy, chúng ta cũng cần tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng”, Phó Thống đốc nói.

Đ.Huyền - M.Phương (TTXVN)