08:00 04/08/2012

Tăng trưởng tín dụng thấp, ngân hàng dùng kế 'kích cầu'

6 tháng đầu năm 2012, tín dụng gần như không tăng trưởng. Việc này bắt nguồn từ bối cảnh nền kinh tế khó khăn và dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao. Vì vậy, ngân hàng khó có thể giải ngân dù “ứ” vốn. Vì vậy nhiều NH đã dùng “kế” để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù các Ngân hàng (NH) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15 -17%, nhưng 6 tháng đầu năm 2012, tín dụng gần như không tăng trưởng, chỉ được 0,76% so với cuối năm 2011. Đây là lần đầu tiên trong hơn chục năm qua, tỷ lệ tăng trưởng thấp như vậy mới xuất hiện.

 

Tăng trưởng tín dụng thấp


Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước (NHNN), tuần từ 16/7 - 20/7/2012 lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đối với các giao dịch bằng VND giảm đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 12 tháng, các mức giảm lần lượt là 0,11%, 0,71% và 0,49%...


Về lý thuyết, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thấp sẽ hỗ trợ chi phí đầu vào, giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, tỷ lệ cho vay trên huy động tại nhiều ngân hàng lại rất thấp, chỉ khoảng 60%.


Nhiều ngân hàng (NH) lo ngại, tăng trưởng tín dụng thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH, thậm chí là lỗ. Thực tế trong thời gian qua, chi phí vốn rẻ nhiều nhưng đầu ra không có, trong khi 70 - 80% lợi nhuận của hầu hết ngân hàng vẫn dựa vào hoạt động tín dụng. Chính vì vậy, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành từ 15 -17% xuống còn 8-10%.


Theo các chuyên gia kinh tế, sự điều chỉnh này là hợp lý, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn bị nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, khi kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, mức tăng tín dụng của Việt Nam bình quân 30%/năm đã giúp nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như gây lạm phát cho những năm tiếp theo.


Chính vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 8 - 10% là tốt. Bởi vì ngoài những lý do trên thì năm nay cũng không cần phải tăng tín dụng cao, vì đây được coi là năm tái cấu trúc; theo đó, việc quản lý rủi ro chặt chẽ và tái cơ cấu từng ngân hàng được đặt mục tiêu quan trọng hơn tăng trưởng.

 

Chiêu “cứu mình”


Việc hụt hơi của tăng trưởng tín dụng do bối cảnh nền kinh tế khó khăn dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp tăng cao, việc đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp cũng kém đi. Chưa kể tồn kho cao khiến cầu từ doanh nghiệp cũng hạn chế… Vì vậy, ngân hàng khó có thể giải ngân dù “ứ” vốn. Trước tình hình trên, nhiều NH đã dùng “kế” để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.


Đây là một trong “kế sách” của ngân hàng ACB để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. Theo đó, từ 23/7 đến 30/12/2012, ACB sẽ trích thưởng từ 10% số lãi suất mà khách hàng vay trả trong 3 tháng khi khách hàng giới thiệu người thân, bạn bè sử dụng “Bộ sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân” như: “Hỗ trợ Kinh doanh trọn gói”, “Hỗ trợ An cư trọn gói” với số tiền giải ngân từ 300 - 500 triệu đồng (tùy khu vực), thời gian vay tối thiểu 3 tháng. Số tiền trích thưởng này sẽ được ACB gửi tặng thẻ ghi nợ nội địa có mệnh giá tương ứng mức thưởng tính trên số tiền giải ngân của khách hàng được giới thiệu.


Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết: “Chúng tôi chấp nhận giảm bớt doanh thu, giảm bớt lợi nhuận để đẩy mạnh cho vay và tìm kiếm khách hàng”.


Tương tự, Sacombank cũng vừa “kích cầu” cho vay khi đưa ra chương trình "Thêm bạn, thêm quà". Theo đó, một khách hàng là chủ thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank khi giới thiệu được một khách hàng đăng ký thẻ thành công sẽ nhận được điểm tặng thưởng và được quy đổi ra thành nhiều quà tặng.


Chương trình của cả hai ngân hàng nói trên đều có yêu cầu người được giới thiệu phải chưa từng giao dịch với NH, hoặc đã ngưng giao dịch với ngân hàng này ít nhất 6 tháng trước. Ông Phan Huy Khang - Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, đây là một trong những mục tiêu để đẩy tăng trưởng tín dụng đến cuối năm. Dù vậy, ước tính mức tăng trưởng chỉ cũng đạt được 10%.


Không dùng hình thức chi “hoa hồng”, NH Đông Á lại chủ động làm việc với các DN bất động sản để cho người mua nhà vay với lãi suất 12%/năm trong năm đầu tiên với điều kiện DN phải giảm giá bán phù hợp với thị trường. Còn NH Eximbank vừa triển khai gói cho vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ có 10%/năm nhưng có tham chiếu theo biến động tỷ giá USD/VND.


Đánh giá các chiêu “kích cầu” tín dụng, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc các ngân hàng chịu giảm bớt lợi nhuận một ít để chi hoa hồng cho khách giới thiệu khách là điều khuyến khích. Tuy nhiên, nếu số tiền để chi hoa hồng đó lại đội vào lãi suất cho vay để người đi vay gánh chịu thì là “phạm luật”. Nhưng trong điều kiện cho vay, tìm kiếm khách hàng khó khăn như hiện nay, “ngân hàng sẽ không dám đưa hoa hồng vào để tính lãi suất, vì sẽ... mất khách hàng như chơi” - ông Lê Thẩm Dương nhận định.


Đồng tình quan điểm, nhiều NH cho biết cho vay chậm ngày nào, tiền ngân hàng “chết” trong két chừng ấy. Bởi vậy, không có lý do gì để ngân hàng làm khó DN trong việc vay vốn. “Để tăng tín dụng 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bơm vốn cho tiêu dùng để tạo cầu. Vietcombank đã và sẽ tìm mọi cách kéo lãi suất đi xuống, đồng thời ngồi lại cùng doanh nghiệp tìm cách gỡ khó. Đây thực ra cũng là biện pháp ngân hàng tự cứu mình”, ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank cho hay.



Hải Yên