08:09 28/08/2017

Tăng trưởng tín dụng: Có cơ sở nhưng phải kiểm soát tốt

Trong cuộc họp mới đây giữa Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty nhằm đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra cả năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng từ 21 - 22%, tăng từ 3 - 4% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Đây được xem là động thái hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế nhưng không phải không có những lo ngại. Trao đổi dưới đây giữa phóng viên TTXVN với TS, LS Bùi Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight gợi mở phần nào những băn khoăn trên.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến đề nghị NHNN có kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm trên 20%. Theo ông dựa trên cơ sở nào để có thể đạt được mức tăng trưởng này?

Có nhiều cơ sở để Chính phủ đề ra mức tăng trưởng tín dụng này. Trước hết, trong thực tế vài tuần gần đây các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đụng trần room tín dụng, thậm chí hạn chế cho vay. Dự kiến với mức tăng trưởng tín dụng cả năm 18%, đến cuối tháng 7, các NHTM chỉ tăng từ 10-12% để dành phần room còn lại cho những tháng cuối năm.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank chi nhánh Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, với mức tăng tín dụng trung bình mỗi tháng quý IV từ 2-4% (khoảng 3%/tháng) thì riêng quý cuối cùng của năm mức tăng trưởng khoảng 9%. Như vậy, đến hết tháng 7, mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống đã đạt 9,3%, nếu chưa kể tháng 8,9, room tăng trưởng tín dụng cả năm đã hết. Chính vì vậy, đây có thể coi là tín hiệu thị trường cần thiết phải tăng trưởng tín dụng chứ không phải mệnh lệnh hành chính.

Bên cạnh đó, luôn có mối quan hệ trực tiếp giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Về mặt kinh tế học, Chính phủ đưa ra đề xuất tăng trưởng tín dụng trên 20% theo tôi là đã có sự tính toán các thông số để muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phải là bao nhiêu. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Chính phủ đạt ra mức tăng trưởng tín dụng mới từ 21-22% chứ không phải là mức cao hơn hay thấp hơn.

Một yếu tố nữa đó là về mặt thị trường, ngoài các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đang có sự ấm lên, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm cũng rất lớn. Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cũng sẽ tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ cần nguồn vốn lớn từ nay đến cuối năm.  

Thêm một cơ sở nữa đó là trước khi Thủ tướng có chủ trương tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có động thái vừa giảm lãi suất điều hành vừa giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, một loạt các NHTM đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% các lĩnh vực ưu tiên. Việc này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chi phí vốn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, gia tăng nhu cầu vốn sản xuất.

Với các yếu tố trên, cho thấy nhu cầu có thêm nguồn vốn cho nền kinh tế là tín hiệu thực sự từ thị trường và là những cơ sở để NHNN có thể xem xét về mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Như vậy, với mức tăng trưởng tín dụng trên 20%, khả năng trong 4 tháng cuối năm cần cung nguồn tiền tương đương gấp 2 lần từ đầu năm đến nay. Theo ông có gây khó khăn trong cân đối với các NHTM?

Hiện nay thanh khoản tại các ngân hàng thương mại đang khá dồi dào. Việc này, dựa trên các yếu tố: số dư tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước vẫn ở mức cao tại hệ thống ngân hàng thương mại; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, cũng như tiếp tục sử dụng công cụ tái chiết khấu và tái cấp vốn. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát tích cực (đến cuối tháng 7 ở mức 3,91% so với cùng kỳ năm 2016, nằm trong mức 4% đặt ra của Quốc hội); lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kể từ đầu năm.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 15/8/2017 mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt gần 80%, nên áp lực cạnh tranh vốn từ kênh trái phiếu so với tín dụng ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể. Đây sẽ là những cơ sở giúp các NHTM có được nguồn tiền ổn định cung ra thị trường.

Cùng với việc Thủ tướng yêu cầu NHNN xem xét tăng mức tăng trưởng tín dụng, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Như vậy các NHTM sẽ phải đảm bảo vừa phải tăng huy động tiền lại vừa phải giảm lãi suất cho vay?

Đúng là sẽ có vấn đề ở đây. Tuy nhiên, nhìn lại trong tháng 7, có thể thấy khi NHNN ra quyết định giảm 0,25% lãi suất điều hành (gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng) là có lý do.

Sỡ dĩ mức lãi suất điều hành chỉ giảm ở mức này một mặt hỗ trợ nguồn cung cho các NHTM, mặt khác vẫn đảm bảo giữ lãi suất huy động trên thị trường 1 (giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư). Bởi nếu lãi suất điều hành giảm ở mức cao hơn thì kéo theo lãi suất huy động trên thị trường 1 sẽ giảm nữa. Việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của các NHTM. Trong khi đó, kênh huy động của các NHTM chủ yếu từ dân cư.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn thực hiện giữ nguyên trần lãi suất huy động (đối với kỳ hạn dưới 6 tháng) cũng góp phần giữ ổn định mặt bằng lãi suất này.Vì vậy, việc NHNN chỉ hạ lãi suất điều hành ở mức 0,25% đã tạo điều kiện để các NHTM giữ được lãi suất huy động hợp lý, qua đó thu hút nguồn tiền từ dân cư, doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, hiện tại với yêu cầu “kép” của Chính phủ chưa gây khó khăn cho các NHTM bởi trần lãi suất huy động vẫn được duy trì. Cùng với đó, các ngân hàng vẫn đang dư thừa tiền. Minh chứng là lãi suất qua đêm tại các NHTM đang ở mức thấp và lượng tiền giao dịch giữa các ngân hàng khá lớn khoảng vài chục nghìn tỷ đồng/ngày.

Có ý kiến cho rằng, việc đưa tăng trưởng tín dụng lên mức cao hơn so với kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ có nguy cơ làm tăng lạm phát cũng như nợ xấu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Có thế nói tín dụng đi liền nợ xấu. Trong khi đó Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu từ 15/8/2017 trở về trước còn các món nợ khác áp dụng theo luật hiện hành.

Theo tôi, bên cạnh những mặt được cũng có những rủi ro. Vì vậy, cần phải nhanh chóng triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu; trong đó, có sự phối hợp tích cực của các bộ ngành, đơn vị liên quan.

Nhưng điều quan trọng là phải tăng cường thanh tra, giám sát trong lĩnh vực ngân hàng. Việc này đã nói nhiều, làm nhiều nhưng rõ ràng vẫn chưa hiệu quả bởi thực tế vẫn đang xảy ra các vụ án tại các ngân hàng mà phần lớn có liên quan đến hoạt động cho vay không đúng quy định.

Xin cảm ơn ông !
 
Thu Hạnh (Thực hiện)