10:14 21/10/2014

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được cho sẽ giảm mạnh, trung bình chỉ còn 3,9% trong thập kỷ tới do năng suất giảm và giới lãnh đạo nước này không thể thông qua các biện pháp mạnh cải tổ kinh tế.

"Nhật báo Phố Wall" ngày 20/10 dẫn báo cáo của "The Conference Board", một tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York, cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh, trung bình chỉ còn 3,9% trong thập kỷ tới do năng suất giảm và giới lãnh đạo nước này không thể thông qua được các biện pháp mạnh cải tổ kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong giai đoạn từ 2020 - 2025.


"The Conference Board" dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm còn 5,5% từ 2015 - 2019, so với mức 7,7% của năm 2013. Kinh tế sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong giai đoạn từ 2020 - 2025, trung bình xuống còn 3,9%.

Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trong 30 năm tính đến năm 2011, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 10,2%, một con số kỷ lục mà chưa quốc gia nào đạt được kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế này đã giúp đưa hàng trăm triệu người dân Trung Quốc thoát nghèo và biến quốc gia này thành một thị trường tiêu thụ nguyên liệu chính cho các nước ở châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông. Tuy vậy, từ năm 2012, tăng trưởng GDP Trung Quốc đã giảm dần và theo dự báo của các nhà kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý III chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng chậm nhất kể từ mức thấp kỷ lục 6,6% trong quý I/2009, thời điểm đang diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hãng Conference Board lập luận rằng, năng suất lao động ở Trung Quốc đang suy giảm, một phần do đầu tư vào hạ tầng và thị trường bất động sản không còn hiệu quả như trước đây. Bên cạnh đó, việc chính phủ không tạo điều kiện cho thị trường đóng vai trò đủ lớn đã dập tắt động lực sáng tạo.

Báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể ngăn được đà suy giảm này bằng việc giảm bớt vai trò của nhà nước, cải tổ thị trường tín dụng để việc vay mượn dựa trên các quyết định thương mại thay vì chính trị. Tuy nhiên, Conference Board tỏ ra nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ có những thay đổi căn bản vì các biện pháp này có thể gây suy giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và tác động xấu tới sự ổn định chính trị.

Bình luận về báo cáo của Conference Board, Nicholas Lardy, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cho rằng những dự báo của tổ chức này "quá u ám". Theo ông Nicholas, Trung Quốc vẫn còn dư địa về năng suất lao động nhất là khi nước này mở cửa cạnh tranh cho các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện... những ngành hiện vẫn do các tập đoàn nhà nước kiểm soát.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại nhưng không giảm đến mức như dự báo của Conference Board. Cho tới nay, giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố vẫn giữ nguyên cam kết cải tổ nền kinh tế. Như phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở thành phố Thiên Tân vào tháng 9 vừa qua, chính sách cải cách kinh tế "như một mũi tên đã bắn đi, chúng sẽ không có đường quay trở lại".


TTK