Hà Nội đang dồn lực xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Công tác này được đẩy mạnh sau khi thành phố hoàn tất sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngành Tòa án và Kiểm sát, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống tư pháp, củng cố niềm tin của nhân dân.
Xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai
Tại kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội, diễn ra ngày 8/7, Chánh án Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội Nguyễn Xuân Kỳ khẳng định: 100% các vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đều đã được TAND 2 cấp TP giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
6 tháng đầu năm 2025, TAND 2 cấp TP Hà Nội đã thụ lý 27.283 vụ việc, giải quyết 16.990 vụ, trong đó có 4.251 vụ án hình sự, với hơn 8.600 bị cáo. Nhiều vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, như vụ vi phạm Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại phố Khương Hạ, vụ tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm, hay vụ “nhận hối lộ” liên quan Tập đoàn Phúc Sơn… đều được đưa ra xét xử khẩn trương, đúng tiến độ. Hình thức xét xử cũng có đổi mới, khi 330 vụ được thực hiện trực tuyến, 337 phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Xuân Kỳ trình bày báo cáo tại Kỳ họp.
Tuy nhiên, ngành Tòa án cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, như tỷ lệ giải quyết một số loại án chưa cao, vẫn có vụ bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Nguyên nhân chủ yếu do khối lượng công việc tăng nhanh, tính chất phức tạp của các vụ việc ngày càng cao, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực chưa tương xứng.
Kiểm sát hiệu quả, không để lọt tội phạm
Cũng tại kỳ họp, báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hà Nội Đào Thịnh Cường cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, cơ quan điều tra toàn thành phố đã khởi tố mới 4.693 vụ án, với 7.033 bị can, giảm đáng kể so với cùng kỳ. Viện KSND 2 cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, không để xảy ra trường hợp tuyên án oan người không phạm tội, không để lọt tội phạm.
Hoạt động tranh tụng, kiểm sát tại phiên tòa được tăng cường; tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt gần 100%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đạt 100%; tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt cao hơn 20% so với chỉ tiêu ngành đề ra. Công tác kháng nghị, kiến nghị, giải quyết tạm đình chỉ, xử lý các vụ án tồn đọng, đặc biệt là án tham nhũng, tiêu cực, được triển khai bài bản, hiệu quả.
Công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng cũng được ngành kiểm sát triển khai hiệu quả, đặc biệt qua việc thực hiện các chuyên đề được Thành ủy đánh giá cao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường trình bày báo cáo tại Kỳ họp.
Tháo gỡ khó khăn về trụ sở, hạ tầng sau sắp xếp bộ máy
Sau quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng thành lập các Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực (trên cơ sở hợp nhất nhiều đơn vị cấp huyện), cả hai ngành đều đang đối mặt với tình trạng thiếu trụ sở, thiết bị và nhân lực đồng bộ. Viện trưởng Viện KSND TP và Chánh án TAND TP Hà Nội đều đề nghị thành phố sớm bố trí các trụ sở dôi dư, nguồn kinh phí và quỹ đất phù hợp để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện làm việc ổn định, phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, là nhu cầu đầu tư trang thiết bị hiện đại, phần mềm quản lý, hạ tầng số phục vụ Tòa án điện tử, số hóa hồ sơ, xét xử trực tuyến. Cả hai ngành cũng kiến nghị UBND, HĐND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai nhiệm vụ tư pháp – kiểm sát, nhất là trong việc thí điểm khởi kiện bảo vệ nhóm yếu thế, lợi ích công theo Nghị quyết 205/2025/QH15.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, ngành Tòa án và Kiểm sát TP Hà Nội cùng đặt mục tiêu trọng tâm về nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; xét xử và kiểm sát kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ và siết chặt kỷ cương công vụ.
Phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó và hiệu quả” được Chánh án TAND TP Hà Nội quán triệt là kim chỉ nam hành động. Trong khi đó, Viện KSND thành phố cũng tiếp tục mở rộng vai trò chủ động trong phát hiện vi phạm, kiến nghị sửa đổi pháp luật, và giữ vững vị trí là "người gác cửa công lý" trong toàn bộ quy trình tố tụng hình sự.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Trung ương và Thành ủy Hà Nội, sự đồng bộ giữa các cơ quan tố tụng và chính quyền các cấp, hệ thống tư pháp Thủ đô đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, vì một nền công lý phục vụ nhân dân.