04:08 03/04/2018

Tăng thuế xăng dầu nhằm cơ cấu nguồn thu có cần thiết và hiệu quả?

Theo lý giải của Bộ Tài chính, cơ sở cho việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là nhằm tái cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên cũng có những ý kiến không đồng tình về việc điều chỉnh để bù đắp nguồn hụt thu. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Bộ Tài chính đang dự thảo Tờ trình nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về biểu thuế BVMT, trong đó tăng mức thuế đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dự thảo Nghị quyết dự kiến trình UBTVQH cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Việc tăng thuế BVMT trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần tăng nguồn lực để chi cho BVMT; đồng thời, tiết chế những hành vi gây tổn hại đến môi trường của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với xăng dầu hiện nay là phù hợp bởi so với giá bình quân các nước chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc…, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn. So với các nước trên thế giới, giá xăng dầu Việt Nam vẫn thuộc loại thấp, xếp thứ 45/170. Điều này có nghĩa giá xăng dầu Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu ngày càng giảm theo lộ trình cắt giảm thuế quan. Trước đây thuế xăng dầu rất cao, mức bình thường cũng phải 40% thì giờ là 10 - 20%, tùy từng thị trường. Không chỉ có thuế xăng dầu giảm, mà thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng khác cũng giảm, như vậy, tổng thuế gián thu sẽ giảm mạnh. Về nguyên tắc, thuế phải đảm bảo cân đối hài hòa và đảm bảo cân đối thu - chi của Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được Quốc hội phê duyệt.

Tuy nhiên theo tôi, bên cạnh việc điều chỉnh thuế xăng dầu, Nhà nước cũng nên tăng cường quản lý xăng dầu nhập lậu. Bởi nếu để tình trạng xăng dầu nhập lậu xảy ra sẽ gây thất thu thuế và xảy ra tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết của UBTVQH cũng điều chỉnh thuế BVMT đối với một số sản phẩm khác như: Than, dung dịch HCFC, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc khử trùng… với mức tăng không nhiều. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc điều chỉnh tăng thuế BVMT phải gắn với việc tăng cường quản lý. Không chỉ nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, đảm bảo bù đắp khoản hụt thu do thuế xuất nhập khẩu giảm, mà còn phải đảm bảo BVMT.

Bà nhận định vấn đề này thế nào về lý do Bộ Tài chính đưa ra cơ sở điều chỉnh tăng thuế BVMT là để tái cơ cấu lại nguồn thu NSNN?

Theo lộ trình, thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm, các thuế trực thu hiện nay cũng giảm. Nhìn lại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì thấy rằng, đây là loại thuế chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu thu ngân sách. Trước đây, thuế suất thuế TNDN là 32%, sau đó xuống 28%, 25% và 20% và sắp tới khi sửa đổi các luật thuế thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thuế suất chỉ từ 15 - 17%. Vậy, khi chúng ta giảm thuế trực thu, các doanh nghiệp sẽ dùng phần thuế thay vì phải nộp NSNN để lại đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp phát triển và tăng thu cho NSNN.

Để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, chúng ta phải cân đối lại thuế gián thu. Vì vậy, trong bối cảnh thuế nhập khẩu, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) giảm, phải tái cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Chủ trương này Quốc hội đã thông qua.

Trong năm qua, thu NSNN đã vượt 1 triệu tỷ đồng, dự toán năm 2018 phải thu cao hơn số thu của năm 2017, trong khi cắt giảm thuế như vậy thì lấy nguồn thu nào để bù đắp? Do đó, việc cơ cấu lại nguồn thu không chỉ điều chỉnh lại các nguồn thu cho phù hợp với nghị quyết của Quốc hội mà còn góp phần nâng cao ý thức BVMT.

Vậy việc điều chỉnh lần này sẽ tác động ra sao tới túi tiền của người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, thưa bà?

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên người dân rất quan tâm. Nhưng khi điều chỉnh tăng thuế BVMT chúng ta đã có tính toán, chỉ tăng ở mức 1.000 đồng/lít xăng. Với mỗi người dân thì số tiền chi phí thêm là không lớn, nhưng “góp gió thành bão” sẽ giúp cho ngân sách có điều kiện cân bằng thu - chi. Đây là điều người dân nên sẻ chia với NSNN.

Đối với doanh nghiệp, mặt hàng xăng dầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào khá lớn. Việc tăng thuế BVMT có nghĩa là chi phí đầu vào tăng, khiến cho giá thành tăng lên. Nhưng theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu thì bản thân giá thành sản phẩm xăng dầu cũng đã được giảm tương ứng. Theo tôi, để giảm thêm giá thành, doanh nghiệp cần tăng cường cách tổ chức quản lý, cũng như các giải pháp khác như: Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí cũng như ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm thị trường tốt… để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Minh Phương/Báo Tin tức