01:13 31/01/2017

Tăng thu nhập nhờ xây dựng thương hiệu gạo sạch

Kết thúc năm 2016, gạo hữu cơ của HTX nông nghiệp Đồng Phú đã đạt 4,5 tấn/ha/vụ cho thu nhập từ 160 triệu đồng - 180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 80 triệu đồng-100 triệu đồng/ha/năm.

Vấn nạn thực phẩm bẩn đang là nỗi bức xúc của xã hội. Nắm bắt được xu hướng phát triển tất yếu của thị trường, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Phú huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã nhanh chóng tìm hướng đi riêng - sản xuất sạch, hướng tới chất lượng sản phẩm chứ không chạy theo số lượng.

Theo đó, sự kết hợp 4 nhà, gồm Quản lý - Khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân nhằm đưa hàm lượng khoa học cao trong sản phẩm đã làm nên thương hiệu gạo sạch Đồng Phú.

Có thực mới vực được đạo

Thói quen làm ăn tạm bợ, "ăn xổi ở thì", tư duy tiểu nông trong sản xuất nông nghiệp đã khiến không ít vùng nông thôn tuy phát triển được sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhưng sản phẩm làm ra không đạt tiêu chí an toàn. Người sản xuất có thể giàu lên tạm thời, nhưng hệ lụy lại lâu dài là mất lòng tin ở người tiêu dùng, chưa nói đến những hóa chất độc hại đó gây ô nhiễm cho chính môi trường sống của nông dân. Chính vì vậy, cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản xuất.

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch HTX Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, mô hình HTX nông nghiệp Đồng Phú kiểu mới đã dần từng bước giúp người dân thay đổi thói quen đó. Ông Thành chia sẻ: "Để vận động người dân thay đổi thói quen từ sản xuất theo phương pháp truyền thống sang sản xuất gạo chất lượng cao, tuân thủ đúng quy trình, ghi chép đầy đủ ngày giờ phun thuốc, bón phân, chủng loại, liều lượng vật tư sử dụng, trong khi đó năng suất lại không cao, thậm chí còn thấp hơn; nhưng chúng tôi kiên trì thuyết phục, nhờ vậy giá bán gạo ra thị trường cao hơn gấp 2 lần".

Chị Hoàng Thị Kếp, thành viên ở đội 2, thôn Hạ Dục, xã Đồng Phú cho biết, từ trước đến nay, người dân quen phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học nhưng bây giờ đã thay đổi hoàn toàn; hiện bón toàn phân hữu cơ, tuyệt đối an toàn, không độc hại. Năng suất lúa tuy không bằng sản xuất theo cách truyền thống nhưng chất lượng, giá thành tương đối cao nên đời sống của bà con đã khác xưa. Nếu không có HTX, không có cán bộ HTX đã đứng lên dẫn dắt làm trước, chắc chắn mô hình sản xuất lúa sạch này không trụ được.

Ông Thành cho biết thêm: “Năm 2012, nắm bắt được nhu cầu lúa sạch, lúa hữu cơ của thị trường Hà Nội rất lớn, chúng tôi mạnh dạn ra Trung tâm hữu cơ ở Hà Nội cùng đội kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sản xuất thử nghiệm 2 ha lúa chất lượng cao theo phương thức hữu cơ. Khi đó gạo thường bán với giá 12.000-13.000 đồng/kg thì chúng tôi đã bán được 25.000 đồng/kg. Năm 2015, chúng tôi đã xuất được 100 tấn gạo ra thị trường, chủ yếu là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lượng gạo bán ra vẫn chưa đủ để đáp ứng vì nhu cầu của thị trường rất lớn”.

Kết thúc năm 2016, gạo hữu cơ của HTX nông nghiệp Đồng Phú đã đạt 4,5 tấn/ha/vụ cho thu nhập từ 160 triệu đồng - 180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 80 triệu đồng-100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên diện tích trồng lúa hữu cơ còn cho thu nhập thêm giá trị từ lúa con (lúa vụ chiêm), đậu tương vụ Đông từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng/ha.

Mô hình cần nhân rộng

Để có được kết quả này, Ban lãnh đạo HTX đã phải thay đổi rất nhiều để thích nghi, tồn tại và phát triển. Trong quá trình lãnh đạo HTX đã chủ động, năng động, sáng tạo từ quản lý đến tổ chức sản xuất.

HTX Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là một HTX chuyên sản xuất gạo chất lượng cao, gạo sạch mang thương hiệu gạo hữu cơ Đồng Phú theo công nghệ Nhật Bản. Hiện HTX có khoảng 100 cán bộ và nhân viên; đều có trình độ chuyên môn, nhạy bén với thị trường.

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch HTX Đồng Phú bộc bạch: “Con người là yếu tố vô cùng quan trọng, từ bộ máy lãnh đạo đến bộ máy giúp việc của HTX đều phải có trình độ. Người nông dân phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật của HTX thì mới làm ra được sản phẩm tốt. Từ năm 2009 - 2012, HTX Đồng Phú triển khai mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thấy được kết quả thực tế, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm bước đầu. Thứ nhất là sự năng động của bộ máy cán bộ HTX. Thứ 2, cán bộ là người "đầu trò" của HTX, phải biết được nông dân mình đang làm gì, xã mình đang sản xuất cái gì, phải làm sao để nâng giá trị lên và phải có thu nhập về cho HTX".

Cũng theo ông Thành, để quảng cáo sản phẩm gạo sạch của HTX, biết ở đâu có hội chợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp, HTX đều đi để giới thiệu sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khách hàng nhận biết được sản phẩm của HTX. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo chất lượng hạt gạo. Đặc biệt, trong sản xuất người nông dân phải tuân thủ theo hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật của HTX thì mới làm ra được sản phẩm tốt.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đánh giá cao mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, làm ăn rất bài bản và nghiêm túc, không chạy theo lợi nhuận mà đặt uy tín lên trên hết.

“Nhiều HTX làm rất hiệu quả và có lãi. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải đưa tên những HTX như vậy để tạo điều kiện cho họ phát triển. Đối với những HTX đã có tên tuổi mà làm ăn chộp giật sẽ không thể đứng vững trên thị trường”, ông Ngô Đại Ngọc nhấn mạnh.
P.A (TTXVN)