05:09 17/05/2012

Tăng sức hút cho ngành học

Trong những năm gần đây, khi mà khối ngành xã hội có nguy cơ… biến mất, thí sinh có tâm lý ngày càng không mặn mà với khối ngành xã hội, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống và đặc biệt là giải quyết được “bài toán” đầu ra cho sinh viên.

Trong những năm gần đây, khi mà khối ngành xã hội có nguy cơ… biến mất, thí sinh có tâm lý ngày càng không mặn mà với khối ngành xã hội, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống và đặc biệt là giải quyết được “bài toán” đầu ra cho sinh viên.


“Nhằm thu hút người học đối với nhóm ngành xã hội, chương trình đào tạo phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng; phải thường xuyên cập nhật và làm mới, bám sát yêu cầu thực tiễn xã hội thì mới giải quyết được đầu ra” - TS Bùi Thành Nam, Phó Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay.


Chia sẻ về mức độ cần thiết phải củng cố ngành khoa học xã hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, ngành khoa học xã hội, nhân văn góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Có kiến thức này con người mới sáng tạo ra được những sản phẩm thân thiện, xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhân văn cho xã hội hiện đại… Vì vậy, với giáo dục hiện đại, kiến thức về xã hội và nhân văn càng phải được tăng cường.


 

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi sinh đại học-cao đẳng tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết thêm, việc lựa chọn nghề nghiệp là do nhận thức của thí sinh. Sự thay đổi nhận thức trong lựa chọn của người học phụ thuộc vào nhiều yếu tố của xã hội. Do đó, công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông cần được làm tốt. Phương pháp dạy và học những môn thuộc khối C cần thay đổi để tạo ra sức hấp dẫn, thu hút học sinh nhiều hơn.


Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, Bộ đang cùng với các bộ, ngành phối hợp nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách để thu hút học sinh vào học các ngành học mà xã hội, cần và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người học sau tốt nghiệp đi làm theo các nghề này. Theo đó, phải gắn đào tạo các ngành nghề với quy hoạch nguồn nhân lực để các trường, người học tự quyết định. Bộ GD -ĐT cho biết, từ những định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của giáo dục đại học tại các trường ĐH, CĐ trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2011 - 2020.


Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, muốn cải thiện được nhận thức về nhóm ngành xã hội hiện nay rất cần những thay đổi mang tính vĩ mô, có hệ thống. Ngành xã hội cần có những công bố về nhu cầu nhân lực lao động trong lĩnh vực này, có sự đầu tư trong cách dạy học và đặc biệt là tạo điều kiện về đầu ra, cơ hội việc làm cho những người theo đuổi nhóm ngành học này.

 

Lê Vân