09:09 11/09/2016

Tặng sách cho các thầy cô dạy tiếng Việt ở Đức

Không có tiếng Việt, hình ảnh về tổ tiên, quê hương-đất nước sẽ dần bị phai mờ và không còn chỗ đứng trong trái tim các con em người Việt ở Đức, đây là lo ngại của hầu hết các cô giáo dạy tiếng Việt tại buổi gặp mặt vừa được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại buổi gặp mặt tặng sách cho các thầy cô dạy tiếng Việt ở Đức.

Theo kế hoạch ban đầu, Đại sứ quán dự định gặp mặt đại diện một số trường và đơn vị dạy tiếng Việt tại Berlin, Magdeburg, Dresden,... để trao sách tiếng Việt, sách bài tập và vở luyện chữ cho các thày cô giáo, song buổi gặp mặt đã thực sự trở thành một cuộc tọa đàm quy mô nhỏ về việc dạy-học tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt ở Đức, bởi đã lâu lắm mới có một cuộc gặp mặt quy tụ các thày cô giáo dạy tiếng Việt từ nhiều nơi như vậy ở Đức.

Xuất phát từ tấm lòng của những người gìn giữ tiếng Việt nơi đất khách khách, Đại sứ quán đã nhanh chóng liên hệ với Ủy ban người Việt và Bộ Ngoại giao cũng như các đơn vị khác để kêu gọi đầu tư nguồn sách cho việc dạy tiếng Việt ở Đức.

Trước mắt, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội đã chuyển 150 đầu sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5; 100 đầu sách bài tập Tiếng Việt và 100 vở luyện chữ tiếng Việt lớp 1, lớp 2. Đây thực sự là niềm vui của các cô trò khi được nhận những cuốn sách, đồng thời cũng là nguồn động viên, thể hiện sự quan tâm kịp thời của các đơn vị liên quan đối với sự nghiệp giữ gìn tiếng Việt nơi đất khách quê người.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt, gốc Việt ở Đức đã thực sự trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm đúng mực, trước hết từ các bậc phụ huynh.

Đại sứ cũng cho biết, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với phía Đức, giới chức cũng như bạn bè Đức đều đánh giá rất cao thành tích học tập của con em người Việt cũng như sự coi trọng và quan tâm của các bậc phụ huynh tới sự nghiệp giáo dục, học tập của con em mình.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là còn nhiều cháu không biết hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đại sứ bày tỏ hy vọng số sách mới sẽ hỗ trợ các thày cô trong việc dạy tiếng Việt ở Đức, một sự nghiệp chung của Cơ quan đại diện, của các thày cô cũng như các bậc phụ huynh.

Nhân dịp này, Đại sứ cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các thày cô trong nhiều năm qua đã luôn nỗ lực, dành thời gian công sức và tâm huyết cho việc dạy và duy trì tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt ở Đức. Trong thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục kêu gọi và tìm kiếm nguồn hỗ trợ, đặc biệt là về tài liệu, từ các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp để đồng hành cùng sự nghiệp duy trì tiếng Việt ở Đức.

Ngoài ra, Đại sứ quán cũng xem xét có thể cùng các thầy cô tổ chức ngay tại Đức tọa đàm, trao đổi về kinh nghiệm dạy học tiếng Việt, cũng như thăm dò khả năng tác động phía Đức mở rộng mô hình dạy tiếng Việt trong các trường có nhiều con em người Việt, coi tiếng Việt như một ngoại ngữ chính thức để không những người Việt mà người nước ngoài yêu thích tiếng Việt cũng có thể theo học.

Tại cuộc gặp, các cô giáo đại diện cho một số khu vực và trường dạy tiếng Việt đã phát biểu ghi nhận sự quan tâm của Cơ quan đại diện tới việc giảng dạy tiếng Việt ở Đức. Các cô cũng chia sẻ những khó khăn liên quan việc dạy tiếng Việt, từ thiếu thốn tài liệu, sách vở tới sự quan tâm chưa đúng mực của nhiều bậc cha mẹ trong việc dạy và duy trì tiếng Việt cho con em mình.

Nhiều ý kiến phát biểu kêu gọi cần phát động phong trào dạy tiếng Việt ở Đức, trước hết là thức tỉnh sự quan tâm của các bậc cha mẹ tới sự nghiệp này, bởi không có tiếng Việt, các cháu sẽ mất dần sự gắn kết và quan hệ với cha mẹ, ông bà và xa hơn là sẽ mất gốc gác, mất sợi dây lên kết với quê hương, đất nước.

Cuộc gặp mặt thực sự hữu ích và là thông điệp gửi tới các bậc cha mẹ, đó là "hãy dành ngay sự quan tâm đúng mực tới việc duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em mình trước khi quá muộn". Ca dao có câu: "Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn". Sông sẽ cạn nếu không có nguồn, cây sẽ chết nếu rời khỏi cội và con người sẽ đi về đâu nếu không còn biết tổ tông của mình?

Tin, ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)