10:06 28/10/2014

Tăng quyền cho tòa án, viện kiểm sát

Trong thời gian qua, nhiều vụ án được tòa án trả lại hồ sơ cho viện kiểm sát, yêu cầu điều tra, bổ sung chứng cứ. Tuy nhiên, viện kiểm sát lại không chấp nhận.

Trong thời gian qua, nhiều vụ án được tòa án trả lại hồ sơ cho viện kiểm sát, yêu cầu điều tra, bổ sung chứng cứ. Tuy nhiên, viện kiểm sát lại không chấp nhận. Do vậy, nếu chỉ dựa trên những chứng cứ hiện có, thẩm phán không xét xử được, dẫn tới việc khiếu kiện kéo dài mà chưa biết tới hồi kết.

Tòa án độc lập điều tra

Ngày 27/10, trong ngày làm việc đầu tuần, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



Các đại biểu QH cho rằng, Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tư pháp của thẩm phán và tòa án. Bộ Chính trị cũng yêu cầu cải cách tư pháp, lấy tòa án là trung tâm, trọng tâm là công tác xét xử. Yêu cầu tính độc lập của thẩm phán ngày càng cao. Do vậy, tòa án, thẩm phán cần có thêm quyền tự điều tra, bổ sung hồ sơ.

“Luật pháp như tấm vải, phải có người cắt may, thi hành luật pháp. Do vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp là vô cùng quan trọng, đặc biệt phải công tâm”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
(Lâm Đồng)

“Việc sửa quy định về thẩm quyền của tòa án trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự là cần thiết, để tránh thực tế xét xử trên “mâm cỗ đã dọn sẵn” của cơ quan điều tra”, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nhận xét.

Lý giải về điều này, đại biểu Nghĩa cho rằng: “Trong quá trình làm vụ án, nếu thấy chưa đủ chứng cứ buộc tội thì không nên áp dụng khái niệm trả hồ sơ, mà yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ. Quan trọng nhất là tòa án chủ trì việc xác minh, thu thập chứng cứ. Vì trả hồ sơ lại kéo dài thời gian xét xử, trả đi trả lại nhiều lần”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) dẫn chứng:“Vụ án vườn mít, các cơ quan tư pháp thông báo bị cáo Lê Bá Mai không có đơn thư kêu oan. Tuy nhiên, ngày 5/9/2013 Lê Bá Mai gửi đơn kêu oan tới nhiều nơi, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì thế, tôi cho rằng, phải có câu trả lời đích đáng, nhất là khi có nhân chứng đứng ra làm chứng cho Lê Bá Mai, nhưng suốt thời gian qua, nhân chứng này không được cơ quan pháp luật mời làm nhân chứng. Nhân chứng này cũng bị điện thoại nặc danh đe dọa. Do vậy, vụ án bị kéo dài mà vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.

“Phải đảm bảo tính khách quan trong xét xử, hạn chế tình trạng “chạy án” là vấn đề quan ngại nhất hiện nay”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu.

Còn đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) đề nghị: “Tòa án chỉ có quyền yêu cầu trả hồ sơ mà chưa có quyền kiểm soát quá trình thu thập chứng cứ. Do vậy, đề nghị tòa án phải kiểm soát toàn bộ quá trình, tự điều tra, kiểm tra thêm… để đảm bảo quyền tư pháp”.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Nên giao nhiệm vụ cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng “Án lệ”. Vì từ thực tiễn xét xử, pháp luật chưa điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong vụ án, mà phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của thẩm phán… nên rất cần thiết ban hành “Án lệ” để có thể xét xử, đảm bảo công lý”.

Hạn chế oan sai từ khâu tiền điều tra


Theo các đại biểu QH, nhằm hạn chế tình trạng ép cung, gây oan sai trong các vụ án, cần giao thêm quyền điều tra cho viện kiểm sát từ khâu tiền điều tra; đồng thời, tăng quyền điều tra trong lĩnh vực tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp.

Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) cho rằng: “Cần tăng quyền điều tra của viện kiểm sát với tội tham nhũng xảy ra trong các cơ quan tư pháp, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Ví dụ, chúng ta đều thấy rằng, việc để lộ thông tin bắt Dương Chí Dũng khi điều tra đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Ngoài ra, tăng quyền điều tra tội môi giới hối lộ, đưa hối lộ… mà xã hội thường gọi là chạy án, xâm phạm tới hệ thống tư pháp. Do vậy, đề nghị viện kiểm sát được điều tra tội phạm về chức vụ mà người phạm pháp là các cơ quan tư pháp”.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng bức cung, làm sai lệch vụ án, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho biết: “Một đồng chí lãnh đạo trong ngành công an thừa nhận với đoàn giám sát của QH là việc bức cung, nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền điều tra. Giai đoạn này, viện kiểm sát lại không có quyền điều tra. Để hạn chế oan sai, viện kiểm sát cần được tiếp cận từ giai đoạn này, hoặc có thể xử lý trực tiếp đơn thư tố cáo khiếu nại. Nhằm hạn chế việc làm sai lệch vụ án”.

Hữu Vinh