07:08 10/07/2012

Tăng nguồn lực khoa học, công nghệ cho địa phương

Sau 1 năm triển khai chương trình xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015, nhiều dự án được đánh giá cao về tính khả thi,

Sau 1 năm triển khai chương trình xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015, nhiều dự án được đánh giá cao về tính khả thi, không chỉ mang lại nhiều triển vọng mới cho nông dân trong phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn - nấm dược liệu theo hướng công nghiệp”


Đây là một trong số những dự án thuộc chương trình xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015. Dự án đã được đoàn công tác Chính phủ đến thăm trong thời gian đoàn công tác làm việc với tỉnh Hà Nam. Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn cùng Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần và các vụ, ngành liên quan đã ghi nhận những kết quả mà dự án đạt được, đồng thời chia sẻ, tiếp thu những kiến nghị… của đơn vị thực hiện dự án để tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ dự án đạt hiệu quả.


 

Thực hiện mô hình liên minh giữa các doanh nghiệp với người nông dân, gia đình chị Hàm Thị Lượm (trong ảnh) ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh giống táo xanh (thường gọi là táo Phan Rang) trên diện tích 3.000 m2, sản lượng hàng năm đạt khoảng 30 - 40 tấn quả, trừ chi phí còn thu lãi gần 200 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với khi chưa liên minh.

 

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác về dự án "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn - nấm dược liệu theo hướng công nghiệp", ông Nguyễn Văn Mai, Giám đốc Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động, đơn vị thực hiện dự án cho biết: Với sự hỗ trợ của Trung tâm công nghệ sinh học thực vật và Viện di truyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Nam, sau một năm thực hiện dự án, công ty đã tiếp nhận chuyển giao 13/15 quy trình công nghệ giống, trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu, nấm thô. Hiện công ty đã sản xuất thành công 6/7 loại nấm và thời gian tới, công ty sẽ chuyển giao để phát triển phong trào trồng nấm trên diện rộng và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ nông dân, đảm bảo hướng đến sản xuất chuyên nghiệp.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc triển khai dự án theo hướng công nghiệp và cho biết: Chính phủ ủng hộ tỉnh Hà Nam ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tỉnh cần ứng dụng linh hoạt nguồn vốn cho nghiên cứu, có thể dùng nguồn lực của các trung tâm để tăng nguồn lực cho địa phương.


Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về kết quả sản xuất nấm và các giải pháp để phát triển sản xuất, trồng nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp. Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Là tỉnh có nguồn nguyên liệu để sản xuất, trồng nấm rất dồi dào, chất lượng cao nên tỉnh đã ban hành đề án phát triển nấm ăn giai đoạn 2012 - 2015, xây dựng cơ chế hỗ trợ giống nấm, chi phí chuyển giao công nghệ... với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, tạo sản phẩm giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế và có khả năng xuất khẩu, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng...


Phó Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của tỉnh khi đã phê duyệt đề án phát triển nấm ăn, có chính sách rõ ràng cho phát triển và nhân rộng mô hình trồng nấm ăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, do tỉnh mới tập trung vào phát triển nấm ăn mà chưa gắn với hệ thống tiêu thụ vì vậy cần tập trung cho vấn đề này, nhưng chú ý không phát triển "nóng" mà phải phát triển bền vững.

 

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thực hiện các mô hình đa canh trên nền đất lúa trong vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn của xã Vĩnh Mỹ A, Hòa Bình, Bạc Liêu”


Đây là một trong những dự án thuộc Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 đã mang lại triển vọng mới cho nông dân khi cùng lúc áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên một diện tích đất.


Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, Chủ nhiệm dự án cho biết: Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình đa canh trên nền đất lúa trong điều kiện sản xuất khó khăn trên cơ sở áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Qua đó, dự án góp phần tạo thêm việc làm cho nông dân vào mùa khô, tăng thu nhập, phát triển sản xuất bền vững. Dự án sẽ khai thác tốt tiềm năng đất đai nông nghiệp hiện có và lao động tại chỗ, hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất lúa - màu, trồng cỏ cao sản trên đất vườn tạp, tận thu rơm rạ để phát triển chăn nuôi trâu, bò, nuôi trùn quế và trồng nấm rơm theo hướng thâm canh…


Sau 1 năm thực hiện dự án, diện tích sản xuất cũng như năng suất, hiệu quả của mô hình sản xuất trên địa bàn xã Vĩnh Mỹ A đã có những chuyển biến rõ nét. Trong tổng diện tích đất trồng lúa 1.022 ha, toàn xã đã chuyển đổi được 480 ha giống lúa chất lượng cao (chiếm 82% so với tổng diện tích lúa), tăng 780 ha so với hiện trạng năm 2007; diện tích lúa 2 vụ tăng 300 ha và diện tích trồng màu tăng 130 ha. Toàn xã có đàn bò 90 con (tăng 64 con), diện tích nuôi trùn quế trên 600 m2 (tăng 530 m2), có 5 ha trồng nấm rơm… Năng suất và sản lượng của các mô hình này đều tăng vượt trội so với trước khi thực hiện dự án. Ưu điểm của dự án phù hợp với hộ dân canh tác lúa trên diện tích nhỏ, vùng đất kém màu mỡ, ít vốn, ít kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật... Việc thực hiện thành công dự án trên đã mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình không chỉ ở xã Vĩnh Mỹ A, mà trong tương lai sẽ được nhân rộng ra toàn huyện và các địa phương khác trong tỉnh. Nhất là các huyện vùng ngọt hóa như Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long… vì các địa phương này có hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp sản xuất chưa phát huy hết hiệu quả.


Bạc Liêu có diện tích sản xuất lúa hơn 86.000 ha, phần lớn diện tích này canh tác được 2 vụ/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh này còn mang tính chất manh mún, thiếu nhất quán. Với việc ứng dụng thành công bước đầu mô hình này, đã đáp ứng được nguyện vọng làm giàu chính đáng của người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lực và kiến thức về khoa học - kỹ thuật của mình.


Hoàng Linh - Bảo Trân