09:15 04/09/2021

Tăng mức phạt xây dựng sai phép tới 1 tỷ đồng có đủ sức răn đe?

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, bổ sung quy định tăng mức phạt chủ đầu tư dự án bất động sản BĐS vi phạm kịch khung lên tới 800 triệu - 1 tỷ đồng để răn đe và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong ngành Xây dựng.

Cần thiết

Vi phạm trật tự xây dựng, nhất là ở Hà Nội diễn ra tràn lan, mọi nơi, mọi lúc, dưới nhiều hình thức từ thiết kế, thi công, đến huy động vốn, 'bán lúa non' khi chưa đủ giấy tờ pháp lý. Hàng nghìn nhà xây dựng chen lấn, vượt phép, vượt tầng và thậm chí không có phép; nhiều nhà cao tầng, nhiều dự án lớn vẫn hồn nhiên vi phạm, không đúng cam kết thiết kế, thi công, khi bàn giao mới xảy ra tranh chấp, gây bức xúc dư luận. Vi phạm trong xây dựng diễn ra trên nhiều địa bàn, từ phố cổ, phố cũ, đất nông nghiệp, đến bãi bồi ven sông... Mặc dù đã nhiều hộ gia đình bị xử phạt, tháo dỡ công trình, hàng loạt cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, hình sự vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, nhưng việc phòng chống vẫn hết sức khó khăn.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đã phải xử lý nhiều công trình quy mô từ nhỏ đến lớn, những nhà siêu mỏng, siêu méo, tốn nhiều thời gian. Riêng từ năm 2016-2020, Sở đã kiểm tra 95.502 công trình; phát hiện, lập hồ sơ xử lý hơn 6.500 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 6,76%; ban hành gần 7.500 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền phạt trên 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thống kê vẫn chưa mang tính tuyệt đối…

Chú thích ảnh
Tăng mức phạt xây dựng sai phép tới 1 tỷ đồng có đủ sức răn đe?

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nghị định 139). Sau gần 4 năm thực hiện, Nghị định 139 đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, nhất là quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên đến nay, Nghị định 139 đã bộc lộ một số bất cập từ thực tế như: Chưa xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt; chưa có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; thời gian cho phép xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; chưa điều chỉnh xử lý hành vi vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mà vẫn tiếp tục vi phạm. Một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Vì vậy, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; trong đó, bổ sung, sửa đổi một số quy định về mức phạt tiền trong kinh doanh BĐS, vi phạm xây dựng và biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép…

Đủ sức răn đe?

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, bổ sung các quy định đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và các nghị định hướng dẫn thi hành, Thanh tra Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 89 Điều, chia thành 7 Chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng.

Đáng chú ý, dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đã đưa vào Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định tăng mức tiền phạt gấp 1,5 - 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 - 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng có hành vi bị xử phạt kịch khung lên đến 1 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh BĐS như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… (theo Nghị định số 139 hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ đến 300 triệu đồng).

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, mức phạt 800 đồng – 1 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm, sai phạm là vẫn thấp. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, mức phạt 800 triệu đồng như dự thảo đang lấy ý kiến chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, nếu phạt kịch khung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là 2 tỷ đồng cũng chưa đủ răn đe đối với các chủ đầu tư dự án từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chính là bất cập, là kẽ hở pháp luật để chủ đầu tư lách luật, đẩy rủi ro về phía người mua.

Đồng tình, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mức xử phạt cao nhất theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cao nhất là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm chịu mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng. Nhưng đối với dự án có tổng mức tới hàng nghìn tỷ đồng, chủ đầu tư sẵn sáng vi phạm rồi nộp phạt. Quy định này cần xem xét bổ sung tăng nặng, thêm chế tài bắt buộc, không dễ dẫn đến nhờn luật; đồng thời, cần xem xét các yếu tố để hình sự hoá các vụ việc, xử lý nghiêm, dứt điểm. Như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng.

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức