08:05 12/08/2011

Tăng lạm phát - Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính mới?

Trên báo "Bưu điện tài chính" (Canađa), ông Stephen Richardson, cựu Thứ trưởng Tài chính và là người đã tham gia xử lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã có bài phân tích về rủi ro khủng hoảng nợ công mà các thị trường tài chính toàn cầu đang phải đối diện, đồng thời đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.

Trên báo "Bưu điện tài chính" (Canađa), ông Stephen Richardson, cựu Thứ trưởng Tài chính Canađa và là người đã tham gia xử lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã có bài phân tích về rủi ro khủng hoảng nợ công mà các thị trường tài chính toàn cầu đang phải đối diện, đồng thời đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.

Theo ông Richardson, rõ ràng, giải pháp vừa qua cho cuộc tranh cãi trần nợ công tại Mỹ là không đủ. Nguyên nhân chính của các cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay là các chính phủ đã chi tiêu quá mức, gây hại về ngắn hạn cho các nền kinh tế của họ. Các chính phủ mắc nợ nhiều không thể tiếp tục kích thích tăng trưởng bằng các khoản chi tiêu nhờ thâm hụt mà không có nguy cơ gây ra bất ổn tài chính. Năm 2009, các chính phủ đã tăng chi tiêu và cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế đang suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, việc chuyển nợ từ khu vực tư nhân sang nhà nước không giải quyết được tình trạng thất nghiệp cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Giờ đây, chính phủ Mỹ và châu Âu phải căng mình giảm thâm hụt ngân sách trong khi các nền kinh tế mới nổi mất phần nào sức mạnh kinh tế. Chắc chắn phải có người trả số nợ công đã tương đương hơn 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại một số nước châu Âu và Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, chi tiêu quá mức dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Do không giải quyết được các vấn đề ngân sách, một số nước châu Âu đang phải đối mặt với khoản nợ ngày càng tăng và điều này có thể gây bất ổn nền kinh tế thế giới trong bối cảnh các nhà đầu tư quay lưng lại với trái phiếu chính phủ do các nước này phát hành. Chỉ cần Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ailen và Tây Ban Nha vỡ nợ, tác động sẽ tương đương với cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Mỹ rõ ràng không có khả năng giải quyết vấn đề nợ của mình và đã khiến cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của nước này. Trong bối cảnh đó, thế giới đang chờ những khuyến nghị sắp tới về một giải pháp cho kinh tế Mỹ của Ủy ban Tài chính Quốc hội nước này. Do các bên không thể nhất trí được chính sách tài chính, dường như chắc chắn ủy ban này không thể đạt được sự đồng thuận chính trị về việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tại Mỹ.

Trong 4 năm tới, nước Mỹ sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách, với khoản nợ ròng lên tới hơn 100% GDP. Với rất ít đồng thuận về chính sách tài chính, giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Mỹ là tăng lạm phát. Một số nhà kinh tế đã khuyến nghị mức lạm phát khoảng 6-7%/năm cho đến khi gánh nặng nợ nần của Mỹ trở nên ổn định. Nhưng điều này đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải từ bỏ các mục tiêu khống chế lạm phát.

Nếu lạm phát là phương thuốc duy nhất, điều này có nghĩa là thuế sẽ tăng lên đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Lạm phát cũng ảnh hưởng xấu đến người cao tuổi và những người có thu nhập cố định khác. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nâng cấp máy móc và công nghệ. Nếu các chính phủ tiến hành cải cách thuế, các quy định và các chương trình chi tiêu đồng thời chấp nhận chịu những “đau đớn” trước mắt, kinh tế có thể quay trở lại con đường tăng trưởng.

Những tình huống khẩn cấp đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp. Nước Mỹ, vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải thức tỉnh và giải quyết những vấn đề ngân sách của mình, nếu không các nước khác cuối cùng sẽ "qua mặt" Mỹ.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)