12:00 26/12/2012

Tăng kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, đã trao đổi với Báo Tin tức về các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong (ảnh), Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, đã trao đổi với Báo Tin tức về các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

´Thưa ông, để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, Bộ Y tế sẽ triển khai những biện pháp gì trong thời gian tới?


Cuối tháng này, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Bộ Y tế “chủ trì” sẽ thành lập 8 - 10 đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra ATVSTP tại những tỉnh, thành phố trọng điểm.


Các đoàn sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATVSTP tại các địa phương; đồng thời trực tiếp kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về các điều kiện đảm bảo ATVSTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác sản phẩm. Những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, giò chả, thịt gia súc, gia cầm... sẽ được “ưu tiên” kiểm tra.

´Ông có thể cho biết công tác thanh kiểm tra thực phẩm dịp Tết Quý Tỵ có điểm gì mới so với mọi năm?


Điểm mới của công tác thanh, kiểm tra ATVSTP dịp Tết năm nay là sẽ áp dụng Nghị định số 91/2012/NĐ - CP về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ban hành ngày 8/11/2012 và có hiệu lực từ 25/12).


Theo đó, nhiều vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trước kia chỉ áp mức phạt từ 50.000 - 100.000 đồng, nay sẽ tăng lên 3 - 5 triệu đồng. Đặc biệt, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể lên tới 100 triệu đồng (mức xử phạt cao nhất trước ngày 25/12 chỉ là 40 triệu đồng). Riêng với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm mà mức phạt cao nhất không tương xứng và chưa đủ sức răn đe thì cơ quan chức năng có thể phạt gấp 7 lần tổng giá trị hàng hóa vi phạm.


Tới thời điểm này, việc tuyên truyền Nghị định 91 đã được triển khai tới các cán bộ y tế phụ trách ATVSTP, nhất là ở các xã, phường cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời chủ động tẩy chay các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.


´Cuối năm, thực phẩm nhập lậu thường có xu hướng tăng, nhất là các sản phẩm gia cầm kém chất lượng. Ngành y tế sẽ kết hợp với ban, ngành khác để kiểm soát vấn đề này như thế nào?


Về nguyên tắc, trách nhiệm quản lý nguồn nguyên liệu thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp, còn việc giám sát thực phẩm nhập lậu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ để có những chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề ngăn chặn gà nhập lậu kém chất lượng nói riêng và đảm bảo ATVSTP dịp Tết Nguyên đán nói chung.


Hà Nội: Thành lập 6 đoàn thanh, kiểm tra ATVSTP Từ 20/12/2012 đến 31/3/2013, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội sẽ tiến hành thanh, kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Tỵ và mùa lễ hội năm 2013. Công tác thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào những mặt hàng rượu, bia, nước giải khát; thức ăn đồ nguội, giò chả, nem chua, nem chạo, các loại ô mai, bánh mứt kẹo, hạt có dầu (lạc, hạt dưa đỏ, hạt bí, hạt hướng dương)... Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, cơ sở đại lý, bán buôn, bán lẻ, các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, các cơ sở thức ăn đường phố...

Và như tôi được biết thì Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không được phép nhập khẩu; đồng thời phát triển nguồn gia cầm trong nước để đảm bảo việc cung ứng cho nhân dân dịp cuối năm.


Về phía ngành y tế sẽ tiếp tục duy trì việc lấy mẫu, xét nghiệm cả gà nhập lậu và gà nội địa để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn dân. Khi toàn thể hệ thống chính trị cùng chung tay ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu thì tôi tin rằng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt.


´Việc đảm bảo ATVSTP tại các lễ hội sau Tết Nguyên đán sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?


Đúng là sau Tết thường có rất nhiều lễ hội lớn, có lễ hội tập trung tới hàng vạn du khách và kéo dài trong nhiều tháng liền. Đây cũng là dịp để các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ “bung ra”, kịp thời đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách thập phương. Vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì các cơ sở kinh doanh thực phẩm hoạt động theo kiểu mùa vụ này có thể sẽ vi phạm các điều kiện ATVSTP về cơ sở vật chất, nguồn nước, vệ sinh dụng cụ chế biến...


Nắm vững được quy luật này, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã xây dựng các kế hoạch và chỉ đạo các địa phương có kế hoạch tăng cường thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo ATVSTP cho cả các lễ hội diễn ra sau Tết. Theo đó, các địa phương nơi diễn ra lễ hội có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo ATVSTP trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương sẽ tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm ATVSTP.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)