03:20 27/03/2022

Tăng giờ làm thêm, quyết sách phù hợp kịp thời

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng là trên 40 giờ nhưng không quá 60 và trong 1 năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ.

Chú thích ảnh
Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Nghị quyết nêu rõ: Quy định trên không áp dụng đối với các trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có hàng triệu người lao động bị mất việc. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương… Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trên thực tế các quy định về giới hạn giờ làm thêm được quy định trong Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Do đó, Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động cho phù hợp với tình hình mới. 

Việc tăng giờ làm thêm theo nghị quyết của Thường vụ Quốc hội được đánh giá là phù hợp và kịp thời vào thời điểm hiện tại. Cũng có thể coi đây là một giải pháp tình thế, cấp bách, tạm thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất sau thời gian dài chịu tác động mạnh của dịch COVID-19. Việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động có thể tận dụng được lực lượng lao động sẵn có để giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Về phía người lao động, tăng giờ làm thêm giúp họ có điều kiện để tăng thu nhập, thêm nguồn lực trang trải chi phí cuộc sống. Song, việc tăng số giờ làm thêm phải được triển khai trên cơ sở đảm bảo sức khoẻ và điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần tự nguyện, đôi bên cùng có lợi.

Để khuyến khích người lao động, vấn đề đặt ra là tiền công làm thêm giờ phải được trả xứng đáng. Bởi khi kéo dài thời gian làm việc, dù trong hoàn cảnh nào, sức khỏe của người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, vấn đề bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người lao động phải được đặt lên trên hết. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác phòng tránh bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Dù có nguồn thu nhập tăng thêm, nhưng nếu sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, thì thu nhập đó cũng không đủ bù đắp và không còn ý nghĩa. Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần xem người lao động là tài sản quý giá để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hướng đến đầu tư năng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vấn đề quan trọng trong thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận, không ép buộc. Bởi  vậy cần có quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm minh, trong đó cần nhấn mạnh đến  quyền lợi chính đáng của người lao động. Người lao động phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không vì lý do không muốn làm thêm giờ mà bị gây khó khăn, o ép, thậm chí tìm cớ để sa thải họ. Đã từng xảy ra tình trạng doanh nghiệp tìm nhiều cách thức để trù dập người lao động khi họ không đồng ý thỏa thuận làm thêm giờ.

Ở một góc độ khác, nhu cầu làm thêm giờ là chính đáng, song phải được xem xét một cách khoa học, phù hợp xu thế phát triển, nhất là yếu tố sức khỏe, công tác bảo đảm an toàn lao động.  Chính vì vậy, việc tăng giờ làm không thể là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán hướng đến nền sản xuất hiện đại. Do vậy, cùng với tăng số giờ làm thêm, cần khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động, trong trường hợp phải làm thêm giờ thì có chế độ phúc lợi phù hợp đối với người lao động.

Với xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, vấn đề đào tạo kỹ năng, tay nghề, phát huy tinh thần sáng tạo của người lao động cũng cần được chú trọng. Đây cũng là giải pháp trọng tâm để thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực đã được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Yến Nhi (TTXVN)