03:08 19/03/2012

Tăng giá trị thanh long xuất khẩu

Thanh long là một trong 8 loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng bậc nhất của nước ta, sản phẩm đã đem lại giá trị kinh tế cao và hiện được xuất khẩu sang nhiều nước với tổng kim ngạch đạt hơn 3 triệu USD.

Thanh long là một trong 8 loại cây ăn quả đặc sản nổi tiếng bậc nhất của nước ta, sản phẩm đã đem lại giá trị kinh tế cao và hiện được xuất khẩu sang nhiều nước với tổng kim ngạch đạt hơn 3 triệu USD.

Nông dân tỉnh Bình Thuận phun bả diệt ruồi trên vườn thanh long. ảnh: Thạc sĩ Thanh Hiền cung cấp


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, sản lượng thanh long xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản đạt 1.276 tấn và năm 2011 đạt 2.600 tấn. Lợi nhuận từ thanh long cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác trong khu vực là một trong những nguyên nhân khiến diện tích trồng thanh long ở một số tỉnh phía Nam tăng nhanh. Hiện, tỉnh Bình Thuận có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước với 15.650 ha, chiếm 76,1% diện tích trồng thanh long trong cả nước, sản lượng năm 2011 đạt khoảng 335.000 tấn.

Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Sở KH&CN Bình Thuận cho biết, năm 2010, xuất khẩu thanh long đạt 19,37 triệu USD, chiếm 51,37% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, tương ứng 10,84% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Kết quả xuất khẩu chính ngạch thanh long còn thấp so với sản lượng thu hoạch (mới chiếm 15 - 20% sản lượng) do hình thức tiêu thụ chủ yếu là mua bán biên mậu với thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 60 - 70% sản lượng).

Để được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường châu Âu thì quả thanh long của Việt Nam cần đạt được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng quả, vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt phải quản lý tốt đối tượng sâu bệnh thuộc nhóm kiểm dịch, ví dụ như ruồi hại quả. Thời gian qua, mức độ gây hại của ruồi đối với thanh long chưa cao nhưng nhiều thị trường nhập khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ… đã lên tiếng cảnh báo sẽ dừng nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu phòng trừ ruồi hại quả thanh long giai đoạn trước và sau thu hoạch.

Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về ruồi hại quả chủ yếu chỉ tập trung ở các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các biện pháp phòng trừ chỉ mới thực hiện ở những nhà vườn nhỏ lẻ tại các vùng nghiên cứu. Trong khi đó, vùng Nam Trung bộ, đặc biệt là tại Bình Thuận, vùng cây ăn quả đặc sản, sản phẩm có thị trường xuất khẩu ưu thế lớn, lại chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng, nhằm khống chế tác hại của ruồi hại quả, nâng cao chất lượng quả thanh long theo yêu cầu xuất khẩu.

Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ KH&CN duyệt và hỗ trợ thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm quả xuất khẩu tại Bình Thuận”, nhằm giảm tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần kiểm soát ruồi hại quả thanh long trước khi thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long, tiến tới xuất khẩu mạnh hơn nữa ra thị trường thế giới. Đề tài đã được giao cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hiền – Viện Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm và chọn tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất để tiến hành nghiên cứu.

Thạc sĩ Hiền cho biết, trước khi đề tài triển khai, nông dân trong tỉnh đã treo bẫy diệt ruồi (con đực) hoặc phun thuốc hóa học, tuy nhiên hiệu quả không triệt để và đã có trường hợp quả xuất khẩu bị trả về. Với mong muốn tăng diện tích áp dụng biện pháp phòng trừ ruồi bằng phun bả Protein mà kinh phí không đổi, Bộ KH&CN đã phê duyệt xây dựng mô hình 500 ha/năm, được thực hiện trong 2 năm, từ năm 2010 - 2011 với 1.000 ha và chỉ phun 3 lần bả Protein với kinh phí 800.000 đồng/ha, thực hiện cho lứa quả thanh long chính vụ tại Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và vùng phụ cận.

Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được thành phần loài ruồi hại quả họ Tephritiade tại Bình Thuận. Đề tài cũng đã xây dựng mô hình quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng (500 ha/năm x 2 năm = 1.000 ha) được triển khai trên thực tế và sản phẩm quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tỷ lệ quả bị hại chỉ dưới 3%. Đặc biệt, đề tài đã tìm ra phương pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: Hiệu quả mô hình đã làm tăng lợi nhuận 342.000 đồng/ha cho một lứa quả được phòng trừ. Bên cạnh đó, các vườn trong mô hình do không phải phun thuốc hóa học diệt ruồi đục quả nên không lo dư lượng thuốc trừ ruồi trong quả, vì vậy chất lượng quả được nâng lên và thương lái cũng chọn mua nhiều hơn.

Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Sở KH&CN Bình Thuận nhận định: Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tạo điều kiện cho việc kiểm soát dịch hại ruồi đục quả đối với các vùng trồng thanh long tập trung của tỉnh Bình Thuận. Cùng các giải pháp khác, công tác nghiên cứu này của tỉnh Bình Thuận nhằm đảm bảo việc phát triển sản phẩm thanh long một cách bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, xuất khẩu thanh long ra nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trồng thanh long.

Phương Hoàn - Ánh Tuyết