06:15 26/06/2018

Tăng giá thuốc lá 5.000 đồng/bao có thể giảm 900.000 ca tử vong sớm

Tăng thuế thuốc lá là việc làm cần thiết, góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm tác hại cũng như gánh nặng của thuốc lá đối với cộng đồng, giúp bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

Đại biểu chia sẻ thông tin về tác hại của thuốc lá tại hội thảo. 

Phụ nữ và trẻ em là hai nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bới các tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, trường học cũng như trong gia đình. Để giảm số lượng người hút thuốc lá, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tổ chức Hội thảo “Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khoẻ phụ nữ và trẻ em”. 


Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo, hút thuốc lá nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi tại Việt Nam. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa, làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen, làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân… 


Điều đáng nói là phụ nữ, trẻ em - những người không sử dụng thuốc lá, nhưng đang phải gánh chịu hậu quả của hút thuốc thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn, đó là bệnh tật và tử vong do những người hút thuốc gây ra… 


Theo số liệu điều tra, tại Việt Nam, 1/2 trẻ 13-15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ngay tại gia đình. Năm 2015, nghiên cứu GATS (điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành) đã chỉ ra rằng, người hút thuốc ở Việt Nam đã sử dụng 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo thời điểm đó, và đủ nuôi sống 14,3 triệu người trong một năm. Trong khi đó, tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 1% GDP). 


Những con số thống kê đã cho thấy, hút thuốc không chỉ là chuyện của cá nhân mà nó đã trở thành vấn đề của xã hội, khi tác hại của nó ảnh hưởng đến cộng đồng, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. 

Tăng thuế sẽ góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá. Ảnh minh họa. 

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm, là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao. Theo dữ liệu WHO năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. 20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. 


Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/1/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình đã yêu cầu: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng. Theo mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, ngày 25/01/2013, của Thủ tướng Chính phủ: “sẽ phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39% vào năm 2020, tức là giảm 6,3% so với năm 2015”. 


Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất ý kiến, để đạt được mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia về phòng chống thuốc lá đến năm 2020 đưa ra, việc tăng thuế thuốc lá là một trong những chính sách hiệu quả cần được áp dụng. 


Tiến sỹ Tom Carroll, cố vấn cao cấp của Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies cho biết, theo kết quả đánh giá nhanh tác động của các thông điệp truyền thông về thuế cho thấy, đa phần những người được hỏi đều ủng hộ mạnh mẽ cho các thông điệp về việc tăng thuế thuốc lá để giảm hút thuốc lá và các tác hại cũng như gánh nặng giúp bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em. 


 Bà Betsy Fuller, đại diện cho Bloomberg Philanthropies cũng khẳng định, việc tăng thuế thuốc lá là một chiến lược hiệu quả, đã được chứng minh để giảm hút thuốc và có thể giúp bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi tiếp xúc với khói thuốc phụ độc hại.


Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia, chính sách thuế và giá là một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá. Giá thuốc lá cao sẽ tạo động lực giúp những người hút bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ và giúp giảm số lượng những người mới hút, đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo. 


Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Nghiệp vụ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đề xuất một số phương án tăng thuế thuốc lá, trong đó, mức thuế tối ưu nên áp dụng là: Từ 1/1/2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, cần bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức thuế tăng như trên, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,5%, giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc theo như mục tiêu của Chính phủ. Phương án này cũng giúp nguồn thu thuế của Chính phủ tăng thêm khoảng 10,700 tỷ đồng. 


 Theo đánh giá của các đại biểu, các chuyên gia tham dự hội thảo, việc tăng thuế thuốc lá là giải pháp “cùng thắng” trong việc giảm tỷ l người hút thuốc lá và tăng nguồn thu cho ngân sách. 


Phương Hà/Báo Tin tức