03:22 03/03/2016

Tăng đối thoại để giảm tranh chấp

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngừng việc tập thể, có nguyên nhân là việc điều chỉnh lương thưởng không hợp lý. Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp (DN) đã tăng cường đối thoại với người lao động khi điều chỉnh lương tối thiểu, các khoản phụ cấp.

Nhiều vụ đình công

Trung tuần tháng 2, gần 3.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Nissey Việt Nam tại KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt ngừng làm việc để phản đối việc công ty điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhưng cắt các khoản hỗ trợ khác. Cụ thể, công ty đã cắt giảm 200.000 đồng phụ cấp của người lao động. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, công ty đồng ý trả phụ cấp mỗi năm làm việc là 20.000 đồng, từ năm thứ 11 đến năm thứ 20 là 200.000 đồng, tăng thêm 100.000 đồng phụ cấp vào phụ cấp bổ sung cho người lao động.

Việc thỏa thuận với người lao động trong việc điều chỉnh lương thưởng giúp DN ổn định sản xuất hơn.


Sau đó, hơn 4.000 công nhân của Công ty Woodworth Wooden Việt Nam, sản xuất gỗ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cũng đã ngừng việc tập thể, để đòi công ty thực hiện đầy đủ các quyền lợi của họ. Theo đó, thay vì điều chỉnh lương cơ bản cho công nhân, công ty này lại đưa vào khoản tiền thưởng, chuyên cần.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Củ Chi, pháp luật quy định khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp (DN) phải bảo đảm tương quan hợp lý giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn cao; giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên. Việc Công ty Woodworth Wooden Việt Nam tăng lương cho CN có thâm niên bằng cách quy vào phụ cấp là trái quy định.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là hai vụ đình công đầu năm nay, mỗi vụ có quy mô hàng ngàn công nhân đình công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, tại TP đã xảy ra 14 vụ ngừng việc tập thể, với nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trong việc điều chỉnh lương, thưởng cho người lao động.

Tại Hà Nội, vừa trở lại làm việc sau Tết, ngày 16/2, hơn 600 công nhân tại Công ty TNHH Inkel (100% vốn Hàn Quốc, tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) đã đồng loạt ngừng việc. Các công nhân tại đây phản ánh, trong hợp đồng lao động, mức lương cơ bản là 3,317 triệu đồng + phụ cấp 400.000 đồng/tháng. Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, áp dụng tháng 1/2016, thu nhập của NLĐ phải được tăng tối thiểu là 400.000 đồng. Tuy nhiên, công ty lại cắt các khoản phụ cấp như tiền chuyên cần, phụ cấp bằng cấp… Như vậy, tính cả lương và phụ cấp, NLĐ chỉ được tăng 128.000 đồng/tháng. Theo đại diện LĐLĐ thành phố Hà Nội, vụ đình công tại KCN Quang Minh đã được các cấp công đoàn, chính quyền đối thoại giải quyết kịp thời, nhưng nếu chủ sử dụng lao động không làm đúng quy định của pháp luật, sẽ gây dư luận không tốt.

Tăng cường đối thoại

“Để hạn chế tình trạng ngừng việc, tranh chấp lao động, người lao động và DN cần phải xem xét thỏa thuận nghiêm túc việc điều chỉnh lương, thưởng hài hòa theo lợi ích hai bên. Tuy nhiên, khi điều chỉnh lương thưởng, cần minh bạch, rõ ràng và công khai”, ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết.

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều DN ổn định được sản xuất là nhờ việc công khai lương thưởng rõ ràng cho người lao động. Đơn cử như công ty may mặc Thanh Vy (quận Thủ Đức) công ty Huê Phong (quận Gò Vấp), Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân) Công ty Nhựa Chợ Lớn… Bà Lê Thanh Vy, giám đốc công ty may mặc Thanh Vy cho biết: “Mỗi lần có thông báo điều chỉnh lương tối thiểu, chúng tôi đều thông qua công đoàn cơ sở thông báo rõ ràng tới người lao động. Khi xây dựng thang, bảng lương của người lao động, chúng tôi cũng bàn với công đoàn cơ sở. Sau khi thống nhất mức điều chỉnh, chúng tôi dán thông báo công khai trước toàn thể người lao động. Nếu người lao động không đồng ý, có thể góp ý lên công ty. Có như vậy mới giúp DN và người lao động hiểu nhau hơn, giúp DN ổn định sản xuất, ngăn ngừa việc đình công, ngừng việc tập thể”.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ L ĐTBXH cho biết: Vào dịp đầu năm thường xảy ra các cuộc tranh chấp về lao động. Đây là vấn đề đáng tiếc, phát sinh do việc đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp chưa làm tốt, dẫn đến xảy ra tranh chấp khi triển khai các chính sách có sự điều chỉnh.

“Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, từ sau Tết đến nay, có gần 50 cuộc đình công, tranh chấp lao động. Đông nhất là cuộc đình công tại Công ty Pouchen (Đồng Nai) với gần 20.000 người tham gia. Các tranh chấp liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, tiền thưởng, cũng như việc thực hiện các chính sách của DN về nâng lương, các khoản phụ cấp khác. “Qua tìm hiểu tại các cuộc đình công cho thấy, khi điều chỉnh lương tối thiểu, người sử dụng lao động chưa có trao đổi với người lao động, công đoàn để giải quyết vướng mắc”, ông Phạm Minh Huân cho biết.

Chính phủ cũng đã quy định việc tăng lương tối thiểu vùng vẫn phải giữ được các chế độ phúc lợi, phụ cấp khác cho người lao động. “Tuy nhiên, nhiều DN lại cho rằng, việc điều chỉnh lương và các khoản phúc lợi là việc của DN, nên ít có sự trao đổi, tham khảo ý kiến của người lao động, của công đoàn. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng cho rằng đây là việc của DN, nên ít quan tâm, giám sát. Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH cùng với các cơ quan chức năng, sẽ nắm tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp người lao động và chủ sử dụng lao động đối thoại và tìm giải pháp giải quyết ổn thỏa nhất. Bộ sẽ rà soát lại chính sách gồm Nghị định, thông tư hướng dẫn của Bộ, xem vấn đề nào chưa được quy định cụ thể và đang thiếu so với thực tiễn, thì sẽ điều chỉnh. Bên cạnh đó, thì Tổng liên đoàn, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến hướng dẫn quy định phổ biến pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bản lương đúng pháp luật và phù hợp với điều kiện doanh nghiệp; tăng cường đối thoại thương lượng để giải quyết sự việc”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Hoàng Tuyết - Xuân Cường