08:02 17/08/2012

Tăng đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc BHYT

Chi phí thuốc tại Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, trong khi tỷ lệ này trên thế giới chỉ ở mức 25 - 30%. Do đó, phải đưa tỷ lệ chi phí dành cho thuốc chữa bệnh về mức hợp lý thì mới giảm được áp lực cho người bệnh.

Chi phí thuốc tại Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, trong khi tỷ lệ này trên thế giới chỉ ở mức 25 - 30%. Do đó, phải đưa tỷ lệ chi phí dành cho thuốc chữa bệnh về mức hợp lý thì mới giảm được áp lực cho người bệnh.


Ông Nguyễn Minh Thảo (ảnh), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

´Giá thuốc cao sẽ làm tăng chi phí khám chữa bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh tham gia BHYT và quỹ BHYT. Vậy thời gian tới BHXH VN sẽ làm gì để góp phần kiểm soát tình trạng này, thưa ông?


Mới đây, Liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành một thông tư liên tịch về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Theo đó, bắt đầu từ bây giờ thì cơ quan BHXH có quyền tham gia vào các hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu, tham gia tổ chức xét thầu và thẩm định kết quả lựa chọn thầu của các đơn vị đấu thầu mua thuốc từ nguồn quỹ BHYT (trước đây, BHXH VN không được trao trách nhiệm này).


Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu một số giải pháp nữa để quản lý giá thuốc, đặc biệt là Bộ Y tế đang xây dựng Đề án quy định thặng số tối đa toàn chặng nhằm tránh tình trạng mua bán thuốc vòng vo để đẩy giá thuốc lên cao.


Tới đây, Bộ Y tế và BHXH VN sẽ tiến hành rà soát lại danh mục thuốc mà quỹ BHYT chi trả nhằm chọn được những loại thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân đồng thời cũng chọn được những loại thuốc có giá thành hợp lý, đảm bảo sử dụng quỹ BHYT hiệu quả hơn.

 

´Nhiều tỉnh, thành phố đã đề xuất viện phí cao tương đương với các BV tại thành phố lớn và BV tuyến TƯ, giá đấu thầu thuốc tại những nơi này rất cao là một trong những lý do khiến giá viện phí bị đẩy lên cao. Làm thế nào để tháo gỡ tình trạng này tại các địa phương, thưa ông?


Việc giá thuốc tại một số tỉnh cao hơn thành phố lớn do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan là do việc đấu thầu từ các khâu (lập kế hoạch thầu, thẩm định hồ sơ, thẩm định giá và kết quả thầu) chưa tốt đã đẩy giá thuốc lên cao. Còn nguyên nhân khách quan là do tại những tỉnh vùng sâu, vùng xa thì việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, tại những cơ sở y tế này thì việc sử dụng thuốc đặc trị không nhiều, cộng với việc đấu thầu lẻ (với từng bệnh viện)… nên giá thuốc thực tế tại các BV địa phương có thể cao hơn so với những BV tại thành phố lớn hoặc tuyến TƯ…


Để tháo gỡ, Bộ Y tế và BHXH VN đã trình Chính phủ và đã được phép thí điểm Đề án đấu thầu thuốc tập trung tại một số tỉnh: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng… Gần đây, Bộ Y tế cũng chỉ đạo rất quyết liệt việc tổ chức đấu thầu thuốc trên địa bàn tỉnh. Và hy vọng, khi BHXH VN đã tham gia vào tất cả quá trình đấu thầu thuốc thì cũng sẽ góp phần tích cực trong việc lựa chọn được những loại thuốc tốt và giá thành cũng hợp lý hơn.


Xin cảm ơn ông!

 

Hà Linh